Người đã tiêm chủng vaccine COVID-19 sẽ được theo dõi bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử

GD&TĐ -Dự kiến ngày 8/3, những liều vaccine Covid-19 đầu tiên sẽ được tiêm. Những người đã tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vaccine…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh VGP
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh VGP

Sáng nay 6/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 toàn quốc. Hội nghị kết nối đến tận các tuyến huyện với tổng số hơn 700 điểm cầu trên cả nước.

GS.TS Nguyễn Thanh Long - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế. Cùng dự tại điểm cầu Bộ Y tế có Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, lãnh đạo các Vụ/Cục/Văn phòng/Viện/Bệnh viện của Bộ Y tế; một số đơn vị liên quan của Cục Y tế Bộ Công an, Cục Y tế Bộ Quốc phòng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dự hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Bộ Y tế ở TP Hồ Chí Minh.

Theo kế hoạch, ngày 6/3, Bộ Y tế tập huấn đối với tất cả các đơn vị tiêm chủng trên toàn quốc trong vấn đề tiếp nhận, sử dụng, xử lý tai biến sau tiêm… 

Sau đó đến ngày 8/3, những liều vaccine đầu tiên sẽ được tiêm trước hết tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân COVID-19, các vùng có dịch, các đối tượng theo Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19…

Những người đã tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vaccine…

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã báo cáo tại cuộc họp sáng 5/3 về những vấn đề liên quan đến việc tiếp cận các nguồn vaccine từ nước ngoài, hiện nay khi nhu cầu vaccine lớn, nguồn cung của thế giới hạn chế, nhiều nước sẵn sàng mua dưới dạng kỳ vọng, thậm chí có hơn 30 nước đăng ký mua vaccine gấp nhiều lần nhu cầu thực tế.

“Việc đảm bảo đủ vaccine rất khó khăn, bên cạnh đó đây là những vaccine mới phát triển, chưa có nghiên cứu đủ lâu để khẳng định chất lượng, hiệu quả bảo vệ, vì vậy, quan điểm của Bộ Y tế là bên cạnh việc mua vaccine từ nước ngoài, nhất định phải tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động bằng nguồn vaccine trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định tiêm vaccine không bảo đảm phòng bệnh 100%. Ví dụ, theo thông tin của nhà sản xuất thì vaccine của Pfizer có hiệu quả bảo vệ trên 90%, vaccine Astrazeneca là 76% mũi 1, 81% mũi 2. Những số liệu này cũng cần được kiểm nghiệm ngoài thực tiễn.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng vaccine là vấn đề đặc biệt nhạy cảm, Bộ Y tế phải là đầu mối điều phối thống nhất, không thể để tình trạng các địa phương đàm phán trực tiếp với DN chào bán vaccine ngừa COVID-19.

Ban Chỉ đạo yêu cầu việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 phải bảo đảm nguyên tắc công bằng vaccine của Liên Hợp Quốc, khẩn trương nhưng phải rất chắc chắn, đặc biệt phải thông đầy đủ cho người dân, chuẩn bị đầy đủ phương án xử lý những vấn đề, sự cố phát sinh trong quá trình tiêm chủng.

Bộ Y tế tổ chức tiêm vaccine, đánh giá độ an toàn, hiệu lực, hiệu quả một cách tốt nhất

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá nỗ lực của Bộ Y tế trong việc tiếp cận vaccine nước ngoài ngay từ rất sớm; đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine ở trong nước; đồng thời đề nghị, khi có vaccine ngừa COVID-19, Bộ Y tế tổ chức tiêm, đánh giá độ an toàn, hiệu lực, hiệu quả một cách tốt nhất.

Phó Thủ tướng nêu rõ, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi 2 lý do chính.

Thứ nhất, trước đây chúng ta tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng cho trẻ em, một đợt chỉ mấy triệu liều mà cũng đã có lúc xảy ra sự cố, bây giờ chúng ta triển khai đến cuối năm nếu có vaccine ngừa COVID-19 sẽ tiêm hàng chục triệu liều. Kể cả vaccine đã ổn định rồi cũng không tránh khỏi những sơ suất và nếu chúng ta không chuẩn bị tốt thì những sơ suất đấy sẽ biến thành sự cố lớn.

Thứ hai, tất cả những loại vaccine trước đây tiêm ở Việt Nam đều là những vaccine được phát triển theo quy trình lúc bình thường với thời gian trung bình 7-8 năm, thậm chí có loại lên đến 12 năm. Trong khi đó, những vaccine ngừa COVID-19 được nghiên cứu, phát triển theo trong tình hình khẩn cấp, việc cấp giấy phép sử dụng ở Việt Nam cũng vậy. Do đó, chúng ta càng phải cảnh giác và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế từng bước tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân, và khi triển khai tiêm phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất có thể, nếu có bất kỳ sự cố nào, dù nhỏ cũng phải bình tĩnh xử lý.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến sáng 5/3, thế giới hiện ghi nhận gần 115,8 triệu ca mắc và hơn 2,57 triệu ca tử vong do COVID-19 tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tại Việt Nam, từ ngày 25/1 đến nay, cả nước ghi nhận 879 ca mắc COVID-19 tại 13 tỉnh, thành phố với tổng số mẫu xét nghiệm 992.384 mẫu. Việt Nam đã ghi nhận tổng số 2.488 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.539 ca trong nước.

Hiện nay 1.933 ca đã khỏi bệnh, ra viện (chiếm 78.3% tổng số ca mắc) và 501 ca đang điều trị. Hầu hết các bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng (chiếm 81,4% tổng số ca mắc), biểu hiện lâm sàng nhẹ (chiếm 15%), 18 trường hợp tiên lượng nặng và nguy kịch.

Từ góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết những số liệu trên thế giới cho thấy tình hình dịch bệnh được cải thiện do 4 yếu tố: Chu kỳ lây nhiễm của virus, cách ứng xử của các nước, miễn dịch trong cộng đồng, cuối cùng là tiêm vaccine. Trong đó yếu tố ứng xử của các nước rất quan trọng, nhất là khi xuất hiện nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn.

PGS.TS Trần Đắc Phu đưa ra dự đoán khoảng 1-1,5 năm nữa tình hình dịch bệnh COVID-19 mới bớt căng thẳng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.