Sóng ngầm trong lòng nước Pháp

GD&TĐ - Hội đồng Bảo hiến Pháp đã phê chuẩn quy định tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi trong dự luật cải cách hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngày 14/4, Hội đồng Bảo hiến Pháp đã phê chuẩn quy định tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi trong dự luật cải cách hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron.

Dù Hội đồng Bảo hiến bác một số đề xuất trong dự luật, song vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là việc tăng tuổi hưu lên 64 đã được thông qua.

Trước khi dự luật được thông qua, nước Pháp đã chìm trong những ngày tháng khó khăn, hỗn loạn. Người lao động trong các công đoàn, doanh nghiệp đình công, tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm phản đối luật tăng tuổi hưu.

Kéo theo đó, giao thông bị đình trệ, trường học phải đóng cửa, bệnh viện thiếu nhân viên, y tá... Dáng vẻ cổ kính vốn có đang nhường chỗ cho những xung đột nảy sóng trong lòng nước Pháp.

Với kết quả hôm 14/4, Tổng thống Emmanuel Macron có thể đã giành chiến thắng trong cuộc tranh luận về cải cách hưu trí nhưng đây là kết quả mà người dân Pháp không mong muốn. Nó cũng thay đổi cái nhìn của người dân về vị tổng thống đương nhiệm.

Luật cải cách hưu trí đang đối mặt với phản ứng gay gắt từ người dân.

Ông Bruno Cautres, nhà phân tích chính trị Pháp, nhìn nhận sẽ rất khó để Tổng thống Macron giành lại sự ủng hộ của người dân trong ngắn và trung hạn. Bởi lẽ, quyết định phê chuẩn vừa qua cho thấy, Chính phủ Pháp không có ý định trưng cầu dân ý về những thay đổi trong tương lai.

Theo ý kiến thăm dò của tờ Le Point, tính đến hết tháng 3, chỉ 28% người Pháp - giảm 4% so với tháng 2 - ủng hộ ông Macron. Con số thấp nhất kể từ cao điểm phong trào phản đối chính phủ năm 2018 - 2019.

Phần lớn người dân Pháp đều bày tỏ phản đối cải cách. Điều này cho thấy họ đang dần mất niềm tin vào các nhà lãnh đạo chính trị, từ đó, tỷ lệ cử tri bỏ phiếu trắng ngày càng cao. Các hình thức phản đối cũng trở nên cực đoan hơn. Nhiều người có quan điểm chính trị cực đoan hóa.

Về phía Tổng thống Macron, trước đó, ông nhấn mạnh sẵn sàng chấp nhận mất lòng người dân nếu luật cải cách hưu trí được thông qua. Ông đang trong nhiệm kỳ thứ hai và không thể tái tranh cử vào năm 2027.

Chính phủ của ông Macron coi luật cải cách hưu trí là cần thiết để giúp hệ thống lương hưu không bị thâm hụt trong những năm tới. Sự thay đổi này được coi là cần thiết để tránh thâm hụt lương hưu hàng năm được dự báo sẽ đạt 13,5 tỷ euro vào năm 2030, theo số liệu của chính phủ.

Sau khi nâng tuổi nghỉ hưu lên 64, Pháp vẫn có tuổi nghỉ hưu thấp hơn các nước châu Âu cùng nhiều nước phát triển khác như Phần Lan, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển... Tuổi nghỉ hưu hưởng đầy đủ trợ cấp hưu trí ở các nước này là 65 và dần tiến tới độ tuổi 67.

Trong khi ông Macron đang dần mất niềm tin trong lòng người dân Pháp, nhà lãnh đạo phe đối lập Marine Le Pen lại giành được những kết quả tích cực. Một cuộc khảo sát gần đây của Viện Thăm dò Elabe cho kênh truyền hình BFMTV cho thấy, bà Le Pen có thể sẽ thắng cả hai vòng bầu cử tổng thống nếu sự kiện diễn ra vào thời điểm này.

Tuy nhiên, hiện còn quá sớm để dự đoán người kế nhiệm ông Macron. Điều mà người dân Pháp hy vọng lúc này là một cuộc trưng cầu dân ý dù trước đó, Hội đồng Hiến pháp đã bác bỏ đề xuất trưng cầu dân ý của phe cánh tả về dự luật mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.