Mùa hè ánh nắng le lói của mặt trời chiếu vào cả ngày, mùa bão lụt sợ nhà sập, cả gia đình "bồng bế nhau" đi tản cư. Nhà xuống cấp, dột nát không được xây dựng, sửa chữa đã khiến cuộc sống người dân rơi vào cảnh hết sức khốn khổ.
Bao giờ được tái định cư?
"Khu nhà ổ chuột" của các hộ dân ở tổ 21 khu vực 4 phường An Cựu TP Huế chỉ cách Khoa Giáo dục Thể chất trực thuộc ĐH Huế hay Ký túc xá Trường Bia chưa đầy 500m, thế nhưng suốt gần 20 năm nay bà con ở đây phải sống trong cảnh "đi không nỡ, ở không yên". Tất cả mọi nguyên nhân đều do quy hoạch chậm.
Đến tìm hiểu đời sống bà con ở tổ 21 phường An Cựu, chúng tôi nhận thấy những ngôi nhà tạm bợ ở đây đều có "công thức" chung: Tường vách xây tạm, phía trên mái nhà là những tấm lợp phibrô xi măng. Hơn 50% trẻ con sinh sống tại khu vực này khi học mới đến cấp 2 đã theo mẹ hoặc bạn bè học nghề" buôn thúng bán bưng" khắp nơi trong TP Huế để mưu sinh. Một số nhà có điều kiện hơn muốn cơi nơi, xây dựng nhà để che nắng, chống mưa đều không được phép vì nằm trong diện quy hoạch.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Dãnh - Một trong những hộ dân sinh sống lâu năm trong vùng quy hoạch kể: "Khi về lấy chồng ở đây, em không biết nơi đây là đất giải tỏa, ở đây không có tiền, làm được cái chòi ni phải đi vay đi mượn mỗi tháng trả cả tiền vỗn lẫn lãi mất 1,2 triệu đồng. Nhà cửa dột nát như ri biết là khổ cho con cái học hành nhưng cũng đành chịu thôi chứ biết làm răng được".
Cũng giống như bà Dãnh, hộ ông Hoàng Ân nhà 7 nhân khẩu, chồng đi làm thợ nề, vợ đi bán vé số nhưng làm mãi không đủ nuôi 5 miệng ăn.
"Khổ thì đã khổ lâu rồi, họ có đưa giấy về rồi, nói sẽ giải tỏa. Nhiều lần như vậy mà có thấy làm mô (đâu). Ngày ni dọa đuổi, mai dọa đuổi mà dân chờ mãi không thấy đền bù. Bà con cũng muốn đi sớm tới nơi tái định cư mới để có cuộc sống ổn định hơn"- Ông Ân bức xúc nói.
Anh Phan Văn Dàng - Tổ trưởng tổ 21 Khu vực 4 phường An Cựu - cho biết: "Đến nay đã có 190 hộ thống kê sổ sách đã hoàn thành, trong đó có 185 hộ có nhà chờ giải tỏa. Hầu hết nhà ở đây đều là nhà tạm. Vừa rồi tôi có hỏi với lãnh đạo cấp trên thì vẫn chưa thể biết chính xác thời gian nào bà con được di dời tái định cư.
Mong muốn của người dân địa phương là bao giờ thì được đi cho bà con một thời gian cụ thể. Chứ ở như vậy lúc bà con dành dụm được một ít tiền muốn cơi nới, sửa nhà thì bị lập biên bản vì khu vực này nằm trong quy hoạch. Trong lúc đó mùa mưa lũ nhà cửa lụp sụp không có nơi cao ráo để tránh bão lũ", anh Dàng nói.
Trình trạng này cũng đang diễn ra tại khu vực 1 Xóm Gióng, và khu vực 2 phường An Tây (TP Huế), nơi đang có hơn 150 hộ dân đang phải sống trong cảnh khốn khó vì dự án quy hoạch "chậm".
Bà Phạm Thị Phương Mai - Chủ tịch UBND phường An Tây - cho biết: Việc quy hoach từ năm 1994 đến nay tròn 20 năm, qua các kỳ họp Hội đồng nhân dân, bà con bức xúc kiến nghị rất nhiều. Nếu quy hoạch chậm sẽ kìm hãm sự phát triển của người dân nên bà con hoang mang, vì nhà cửa xuống cấp nhưng không được sửa chữa.
Trong thời điểm cấp thẻ được thì không tách thửa được. Nếu hộ nào làm tách thẻ mới thì cam kết không được đền bù. Đại đa số ở Khu vực 1 Xóm Gióng và khu vực 2 đều là dân lao động nên bà con rất khổ.
Hiện nay tất cả mọi thủ tục ở phường đều đã hoàn tất, chì chờ bồi thường. Mong muốn của bà con cũng như lãnh đạo phường là sớm đền bù để bà con di dời tái định cư đến nơi ở mới được ổn định hơn.
Chậm quy hoạch vì không có nguồn vốn
Trẻ con ở khu quy hoạch làng ĐH Huế học phần nhiều học đến cấp 2 đã bỏ học |
Hiện Đại học Huế có 7 trường Đại học thành viên, 3 khoa trực thuộc. Ngày 17/3/1998, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung, theo đó quy mô đào tạo sẽ là 30.000 sinh viên hệ chính quy, khu quy hoạch mới tại phường An Tây và An Cựu là 135ha. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, đến nay, vẫn đang trong thực hiện giai đoạn 1.
Như vậy, gần 20 năm qua, dự án xây dựng được Trường Đại học Kinh tế, Đại học Ngoại Ngữ, Khoa Giáo dục thể chất, Khoa Luật và khu ký túc xá sinh viên, chiếm khoảng 40% diện tích đất quy hoạch. Theo Đại Học Huế, tiến độ như vậy là quá chậm, vì nhiều lí do, trong đó vốn vẫn là "điệp khúc muôn thuở".
Ông Ngô Văn Tuấn - Giám đốc ban cơ cở vật chất - đầu tư xây dựng ĐH Huế - cho biết: "Nói đúng là quy hoạch chậm chứ không phải treo. Hiện ĐH Huế đã kiến nghị với cấp trên cũng như Thủ tướng để đầu tư cấp vốn, tuy nhiên ngân sách của nhà nước eo hẹp. Mặc dù được sự quan tâm của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên ĐH Huế vẫn không thể có được nhiều dự án hơn trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay.
Cũng theo ông Tuấn, nhiều dự án ĐH Huế trình lên chậm được phê duyệt vì không có nguồn vốn. Ngoài ra, do trước đây, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng người dân cơi nới, nhảy dù vào dựng nhà, sinh sống trái phép trong vùng quy hoạch khiến cho việc đền bù, giải tỏa mất rất nhiều thời gian.
Qua kiểm tra 120/190 hộ trong diện phải di dời đợt này thuộc tổ 21 phường An Cựu, chỉ có 40 hộ đủ điều kiện đền bù, còn 80 hộ ở trái phép. Do đang là thời điểm giao thời của Luật Đất đai nên ĐH Huế phải chờ các cơ quan có liên quan của tỉnh hoàn tất công tác thẩm định mới tiến hành đền bù, giải tỏa được” - ông Tuấn nói.