Sơn La kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng

GD&TĐ - Tối 22/11, tỉnh Sơn La tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng (22/11/1952 – 22/11/2022).

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm.
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm.

Lễ kỷ niệm diễn ra vào lúc 20h ngày 22/11, tại Quảng trường Tây Bắc, thành phố Sơn La.

Tới dự có: Bà Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; nguyên lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng hàng nghìn người dân địa phương.

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm đã diễn ra các hoạt động ý nghĩa như: Hội thảo khoa học “70 năm giải phóng Sơn La – Thành tựu, thời cơ, thách thức và định hướng phát triển”; chương trình nghệ thuật với chủ đề “Sơn La bừng sáng tương lai”, triển lãm ảnh với chủ đề “ký ức Sơn La”…

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La.

Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu và đông đảo nhân dân địa phương đã ôn lại lịch sử hào hùng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 31/8/1945, bọn phản động quân Tưởng nhân danh đồng minh kéo vào Sơn La nhưng thực chất để thực hiện âm mưu chống phá chính quyền cách mạng non trẻ tỉnh Sơn La.

Tháng 7/1946, thực dân Pháp vượt biên giới Việt - Trung, tràn vào tỉnh Lai Châu, sau đó tiến đánh chiếm Sơn La. Đến đầu năm 1947, chúng cơ bản kiểm soát toàn bộ địa bàn tỉnh Sơn La...

Đứng trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Mặt trận Tây Bắc, trong đó xác định việc giải phóng đồng bào Tây Bắc và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc là nhiệm vụ căn bản trước mắt. Tháng 9/1952, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng quân ủy Trung ương đã quyết định mở Chiến dịch giải phóng Tây Bắc.

Sau hai đợt của chiến dịch Tây Bắc bắt đầu, quân và dân ta đã lần lượt giải phóng các các vùng rộng lớn của Lai Châu, Yên Bái và Sơn La. Đến ngày 22/11/1952, tỉnh lỵ Sơn La và các huyện phía nam Lai Châu được giải phóng, chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi.

Thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc đã làm phá sản phần lớn “Xứ Thái tự trị” của thực dân Pháp và ảnh hưởng chung tới cục diện chiến trường toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến tranh du kích phát triển mạnh ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Đông đảo người dân đến từ các huyện, thành phố đến tham gia Lễ kỷ niệm.

Đông đảo người dân đến từ các huyện, thành phố đến tham gia Lễ kỷ niệm.

Thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc còn ảnh hưởng sâu rộng tới phong trào kháng chiến của Lào. Trong chiến dịch Tây Bắc, quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt sống trên một vạn tên địch, thu nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng, giải phóng một vùng rộng lớn trên ba vạn cây số vuông cùng trên 25 vạn dân, nối liền vùng thượng Lào với chiến khu Việt Bắc, tạo thế chiến lược quan trọng trong chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954.

Trong chiến dịch Tây Bắc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La đã huy động gần 1,5 triệu ngày công phục vụ chiến dịch, hàng trăm thanh niên đã tòng quân lên đường diệt giặc; cung cấp gần 70 vạn tấn lương thực, trên 48 tấn thịt, hàng trăm tấn rau xanh các loại, góp phần làm nên chiến thắng.

Chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi, tỉnh Sơn La được giải phóng, ngày 22/11/1952 trở thành mốc son lịch sử, đánh dấu một thời kỳ đấu tranh cách mạng vẻ vang, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La được sống trong độc lập, tự do và dân chủ. Chế độ áp bức bóc lột của đế quốc và phong kiến bị xoá bỏ, chế độ chính trị dân chủ được thiết lập và từng bước được củng cố vững mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm.

Trải qua chặng đường 70 năm xây dựng, trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã đưa Sơn La từ một địa phương còn nhiều khó khăn thời kỳ sau giải phóng trở thành tỉnh đứng thứ 5 trong 14 tỉnh thành khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Với quyết tâm chính trị cao, sự đồng lòng và ý chí quyết tâm vượt khó vươn lên của nhân dân trong tỉnh, đến năm 2020, Sơn La trở thành “vựa trái cây” lớn nhất miền Bắc. Tỉnh có 78.850 ha cây ăn quả (sau tỉnh Tiền Giang với khoảng 80.000ha cây ăn quả), tăng 55.248ha so với năm 2015. Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La xây dựng được nhiều chuỗi nông sản an toàn; xuất khẩu được 16 loại nông sản vào thị trường 12 nước là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản...

Tỉnh đã thực hiện thắng lợi công cuộc xóa mù chữ, phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non 5 tuổi, PCGD tiểu học đúng độ tuổi, PCGD THCS, phát triển mạnh mẽ quy mô mạng lưới trường lớp. Cùng với đó là việc mở rộng các loại hình giáo dục, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục; xây dựng xã hội học tập.

Cùng với đó cuộc sống văn hoá, vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn ngày càng được nâng cao. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La.

Ông Nguyễn Hữu Đông - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La khẳng định: Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, tiếp tục quyết tâm, kiên định mục tiêu mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Công tác an ninh, trật tự được đảm bảo.

Công tác an ninh, trật tự được đảm bảo.

Ông Đông cho biết, thời gian tới tỉnh quyết tâm khắc phục khó khăn, hạn chế, không ngừng đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, củng cố, xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị thực sự vững mạnh. Qua đó, tập trung lãnh đạo, thực hiện tốt các khâu đột phá, những nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra trong nhiệm kỳ Đại hội 2020-2025. Phấn đấu tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, thực hiện mục tiêu xây dựng Sơn La ngày càng phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Ứng xử nơi tôn nghiêm

GD&TĐ - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vừa mới khai trương đã thu hút sự chú ý của nhiều người.