Tại ngôi làng Mareerey thuộc bang Jubaland của Somalia, Aisha Hussein, 16 tuổi đang mang thai đứa con đầu lòng được 9 tháng. Tuy nhiên, giống như nhiều phụ nữ khác ở Somalia, do hạn hán, đói nghèo, Aisha đã mất đứa con của mình.
Để đến được trung tâm y tế phải vượt qua quãng đường 100km, tài chính thì thiếu thốn do hạn hán kéo dài nên lần đầu tiên Hussein gặp bác sĩ là khi cô bắt đầu cảm thấy cơn đau chuyển dạ. Sau hành trình kéo dài 4 giờ trên chiếc minibus, cô đã đến bệnh viện dành cho bà mẹ và trẻ em ở Kismayo.
“Tôi không có tiền để đến cơ sở chăm sóc miễn phí gần nhất ở Kismayo vì chúng tôi mất hết thu nhập từ việc làm nông và không đủ tiền để đi lại”, Hussein nói.
Khi Hussein đến trung tâm y tế vào ngày hôm đó, phòng khám đầy phụ nữ và trẻ em đang ngáp và ho, nhiều người trong số họ hốc hác vì nhiều tháng phải di dời và đói.
“Tôi cũng rất yếu khi nhập viện vì phải nhịn đói nhiều ngày khi mang thai, đó là hậu quả của hạn hán nghiêm trọng” - Hussein chia sẻ.
Nhân viên y tế đưa cô đi khám, kết quả là có những biến chứng. Sau 4 ngày cầm máu và theo dõi thai nhi, Hussein được phẫu thuật mổ lấy thai. Nhưng thật không may, cô đã mất đứa con gái bé bỏng của mình.
Bác sĩ Mahat Ali tại bệnh viện đa khoa Kismayo, người đã chăm sóc Hussein, cho biết, cô suýt không giữ được mạng sống vì bị suy dinh dưỡng, chảy máu âm đạo kéo dài, khiến con cô chỉ nặng 2,3 kg - thấp hơn mức bình thường.
Đất nước Somalia đang vật lộn với hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua. Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại đây cho biết, điều này đã khiến hơn 1,9 triệu phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi sinh sản phải rời nhà mình.
Phụ nữ tản cư tập trung tại trung tâm y tế Dolow ở vùng Gedo phía Nam của Somalia. Ảnh: UNFPA Somalia |
Đối mặt với nạn đói
Theo Liên Hợp Quốc, gần một nửa dân số Somalia (7,6 triệu người) cần được hỗ trợ khẩn cấp vì hạn hán. Tỷ lệ tử vong của phụ nữ mang thai ở quốc gia này nằm trong tốp đầu thế giới: 692/100 nghìn ca sinh nở. Liên Hợp Quốc cho biết, hạn hán và tình trạng di dời đã khiến các dịch vụ sức khỏe sinh sản và giới tính vốn đã hạn chế lại thêm căng thẳng.
Tình trạng suy dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai và cho con bú cũng đang gia tăng, gây ra những rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe và phúc lợi của họ. Bác sĩ của Hussein nói rằng thậm chí nếu con của cô ấy sống sót, người mẹ suy dinh dưỡng này cũng không thể cho con bú.
Cách nơi Hussein nhập viện khoảng 600 km, Noorta Ali, một người mẹ làm nông 21 tuổi có 4 con đang sống trong một khu trại đông đúc và thiếu thốn dành cho người di tản trong nước ở ngoại ô Baidoa, miền Nam Somalia. Sau 3 mùa thất bát liên tiếp ở Awdiinle, Ali đã mất hết mùa màng.
“Chúng tôi không có nước sạch để uống và không có gì để ăn, chúng tôi mất tất cả mùa màng vì không có mưa và không có thu nhập”, Ali chia sẻ. Hạn hán trên diện rộng đã tàn phá các hoạt động nông nghiệp và cuộc sống của cô.
Giống như Hussein, Ali đã không đi khám bác sĩ khi mang thai vào năm ngoái và cô đã mất đứa con mới sinh. “Tôi sinh con ở một ngôi làng và chỉ có thể lựa chọn một bà đỡ truyền thống. Tôi đã phải vật lộn mưu sinh và không nghĩ đến việc mình mang thai”, Ali giải thích.
Sau đó, Ali cùng 4 đứa con còn lại trốn khỏi làng. Đến trại dành cho những người tản cư trong nước, cô được điều trị bệnh thiếu máu, suy dinh dưỡng và các bệnh về da.
Một báo cáo gần đây của Cơ quan Sức khỏe sinh sản và tình dục của Liên Hợp Quốc cho biết, việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe, bao gồm kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe bà mẹ, đã bị tổn hại nghiêm trọng ở các quận của Somalia có nguy cơ xảy ra nạn đói.
Theo báo cáo của UNFPA, gần 1/4 triệu phụ nữ hiện đang mang thai và 80 nghìn người sẽ sinh con trong 3 tháng tới (trung bình 900 ca sinh nở mỗi ngày) tại Somalia, một quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tử vong cao khi sinh nở. Ngoài ra, 15% phụ nữ mang thai gặp phải các biến chứng, có nghĩa là có 12.400 ca sinh nở phức tạp trong 3 tháng tới.
Abdirahman Abdishakur, đặc phái viên của Somalia về ứng phó với hạn hán cho biết, một thảm họa sẽ xảy ra trừ khi có sự can thiệp khẩn cấp của cộng đồng quốc tế. “Tất cả các dấu hiệu cụ thể cho thấy đất nước đang đối mặt với nạn đói và 80% người bị ảnh hưởng là phụ nữ, trẻ em và người già. Nếu không có đủ kinh phí để ứng phó, thảm họa sẽ xảy ra ở Somalia do hậu quả của biến đổi khí hậu”, ông Abdirahman Abdishakur nói.
Người mẹ và đứa con sơ sinh tại bệnh viện Banadir ở Mogadishu. Ảnh: UNFPA Somalia |
Phụ nữ bị tấn công
Natalia Kanem, Giám đốc điều hành của UNFPA, cho biết, cơ quan này đang làm việc với các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc để giải quyết một số vấn đề, bao gồm mở rộng quy mô cung cấp các dịch vụ bảo vệ và sức khỏe sinh sản. Ngoài cuộc đấu tranh hàng ngày để tồn tại, Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 720 nghìn phụ nữ và trẻ em gái Somalia có nguy cơ chịu bạo lực về tình dục.
Tỷ lệ bạo lực cao đối với phụ nữ xảy ra khi họ phải đi xa hơn để kiếm thực phẩm hoặc nước uống, khiến họ dễ bị tấn công tình dục. Trong số gần 2 triệu phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi sinh sản phải di dời, dữ liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy, số vụ hiếp dâm được báo cáo tăng 21% trong các cộng đồng, bị ảnh hưởng bởi hạn hán kể từ năm 2021.
Ngoài ra, Somalia cần có thêm hỗ trợ về sức khỏe tâm thần cho những người bị trầm cảm trong các trại tị nạn.
Trong một khu trại tạm bợ của quận Dolow, Asma Adan, 29 tuổi, ở ngôi làng Gof-gaduud phía Tây Bắc Baidoa, đã có 4 con. Cô cho biết căn bệnh trầm cảm của cô bắt nguồn từ việc mất đi mọi thứ vì hạn hán, bao gồm cả mùa màng và vật nuôi.
“Tệ nhất là 2 ngày nay tôi không kiếm được gì cho con ăn và không có nước sạch. Tôi và các con bị suy dinh dưỡng, điều đó ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tinh thần của tôi”, Adan nói. Hiện cô được điều trị nhiễm trùng vùng chậu tại trung tâm y tế Dolow.