Không thể tiếp cận thí sinh theo phương thức truyền thống - tư vấn và tuyển sinh trực tiếp, các trường đẩy mạnh nhiều giải pháp dựa trên nền tảng công nghệ.
Chủ động tiếp cận thí sinh
Mùa tuyển sinh 2022 - 2023 bắt đầu trong bối cảnh học sinh gần như vẫn học trực tuyến. Vì thế, nhiều trường ĐH, CĐ đã tích cực đẩy mạnh các kênh truyền thông, thông tin nội bộ và tuyển sinh trên nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo và website của nhà trường.
Ngoài các kênh thông tin tuyển sinh, hướng nghiệp theo hướng tư vấn thông qua chương trình phối hợp với đài truyền hình, báo chí và công ty truyền thông, 2 năm trở lại đây, nhiều trường ĐH, CĐ đã tự xây dựng cho mình nền tảng số và phim trường để thực hiện chương trình tư vấn, hướng nghiệp định kỳ.
Đơn cử, Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) có chuỗi chương trình “15 phút hiểu ngành” cho mùa tuyển sinh 2022 - 2023. Đây là chương trình với nhiều số phát sóng nhằm đem đến thông tin bổ ích về các ngành nghề, giúp học sinh dễ dàng hoạch định bản thân và lựa chọn nghề nghiệp tương lai phù hợp.
Bên cạnh chương trình trên, HUTECH cũng chính thức ra mắt Cẩm nang hướng nghiệp 2022 online trên kênh truyền thông của trường và các nền tảng mạng xã hội để sớm tiếp cận với thí sinh, nhằm giúp các em có được cái nhìn tổng quan về nhóm ngành đào tạo ở trình độ đại học, có thể tìm hiểu chuyên sâu nhóm ngành yêu thích để có lựa chọn phù hợp.
Trước đó, mùa tuyển sinh 2021 - 2022, HUTECH có chuỗi hoạt động Tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp trực tuyến với tên gọi “Your Future, Your Choice” khá hiệu quả với 15 số phát hành dưới hình thức livestream tại fanpage của nhà trường.
Cũng chủ động tiếp cận sớm, cung cấp và tư vấn cho thí sinh nhóm ngành nghề mà trường tuyển sinh, đào tạo trong năm 2022 - 2023, Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu ngoài việc khởi động chương trình livestream tư vấn trực tuyến, còn đưa vào sử dụng hệ thống trắc nghiệm chọn ngành nghề dựa trên bộ công cụ hướng nghiệp của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) tại Việt Nam phát hành.
Học sinh muốn thực hiện trắc nghiệm nghề nghiệp trực tuyến có thể vào địa chỉ https://tuyensinh.bvu.edu.vn. Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên gia tư vấn nghề nghiệp được huấn luyện và có kinh nghiệm hướng nghiệp trong nhiều năm luôn sẵn sàng hỗ trợ học sinh dưới nhiều hình thức.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (UTE) lại có hệ thống nền tảng công nghệ tư vấn tuyển sinh trực tuyến hiện đại với kênh truyền hình UTE-TV, kênh tư vấn tuyển sinh trên YouTube, fanpage, Facebook của nhà trường, với hàng loạt chuyên đề, chương trình tư vấn ngành nghề dành cho thí sinh hàng tuần.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) cũng vừa khởi động cuộc thi “Future Me” có sức hút và cơ cấu giải thưởng rất lớn (1 tỉ đồng) dành cho học sinh THPT. Cuộc thi được tổ chức với mục tiêu đánh thức ước mơ trong mỗi học sinh, giúp các em định hướng mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân, tạo bước đi vững vàng khi bước vào giảng đường đại học.
Thí sinh tham gia có thể đăng ký và dự thi trực tuyến tại website: www.futureme.edu.vn dưới hình thức trắc nghiệm. Đây cũng có thể xem là một hình thức tiếp cận thí sinh, tạo sự kết nối tốt và hứng thú cho thí sinh khi mọi tương tác đều online và nền tảng công nghệ. Bên cạnh cuộc thi, nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động tư vấn ngành học, trải nghiệm không gian ảo và học thử… nhằm giúp thí sinh khám phá tốt nhất sở thích và đam mê của mình.
Thích ứng và chuyển đổi, yêu cầu từ thực tế cuộc sống
Theo ông Nguyễn Việt Thái - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, thích ứng và thay đổi trong tiếp cận thí sinh là yêu cầu bắt buộc với các trường, từ đó sớm tiếp cận và mang đến cho thí sinh những thông tin, điều chỉnh mới nhất về phương thức xét tuyển, chỉ tiêu, ngành học và cả chính sách.
“Chúng ta đang sống và làm việc trong thời buổi bùng nổ của khoa học công nghệ lớn hơn bất cứ lúc nào. Giáo dục cũng vậy, không thể đứng bên lề của sự chuyển đổi số và ứng dụng của các thành tựu công nghệ. Dịch Covid-19 rõ ràng mang đến rất nhiều khó khăn và thách thức cho các trường trong công tác tuyển sinh, tiếp cận thí sinh và truyền đi thông điệp của từng trường.
Tuy vậy, dịch Covid-19 cũng mở ra cho các trường ĐH, CĐ cơ hội lớn trong việc chuyển đổi số, thúc đẩy và đầu tư mạnh mẽ hơn cho nền tảng hạ tầng công nghệ mà bối cảnh đặt ra. Trường nào chủ động và linh hoạt thích ứng, sáng tạo và xây dựng được nhiều kênh tư vấn, hướng nghiệp và tương tác tốt trên không gian mạng, nền tảng số thì cơ hội “chạm” đến thí sinh sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn”, ông Thái nói.
Nhìn nhận việc bắt nhịp chuyển đổi số là không thể không làm, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh & Truyền thông HUTECH - cho rằng: Dịch Covid-19 kéo dài không chỉ việc học, tư vấn tuyển sinh mà các hoạt động giáo dục trong nhà trường trong tương lai gần sẽ dần tiệm cận với số hóa một cách mạnh mẽ.
“Trong xu thế phát triển chung của xã hội, các ngành nghề cũng ngày càng đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu của con người. Điều này mang đến cho các bạn trẻ nhiều lựa chọn nghề nghiệp nhưng đồng thời cũng khiến các bạn dễ băn khoăn, bối rối khi đứng trước “ma trận ngành nghề”. Hiểu được điều đó, mỗi mùa tuyển sinh HUTECH đều xây dựng một chuỗi chương trình tư vấn - hướng nghiệp online để làm sao tương tác và chia sẻ đến thí sinh một cách đầy đủ và cặn kẽ nhất”, ThS Dung nói.