Sôi nổi các hoạt động hướng về ngày Giỗ Tổ trong nhà trường

GD&TĐ - Trong những năm gần đây, hoạt động của các nhà trường ở Phú Thọ hướng về ngày giỗ Tổ Hùng Vương sôi nổi và đa dạng hơn.

Nhiều hoạt động thiết thực hướng về ngày Giỗ Tổ được các trường tại Phú Thọ tổ chức.
Nhiều hoạt động thiết thực hướng về ngày Giỗ Tổ được các trường tại Phú Thọ tổ chức.

Bồi đắp lòng tự hào cho học sinh

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương, là một ngày lễ quan trọng của dân tộc Việt Nam, được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Trong dịp này, các nhà trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đều tổ chức các hoạt động ý nghĩa để giáo dục học sinh và thông qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của truyền thống lịch sử dân tộc.

Chia sẻ về các hoạt động của nhà trường trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần lễ Văn hóa du lịch Đất Tổ, nhà giáo Nguyễn Vũ Cường - Hiệu trưởng trường Tiểu học Hy Cương (TP. Việt Trì) cho biết: Ngay trước dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, nhà trường đã tổ chức hoạt động trải nghiệm tại Khu di tích Lịch sử Đền Hùng cho 395 học sinh từ khối 2 đến khối 5. Hoạt động trải nghiệm này giúp giáo dục học sinh về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước.

“Được tham gia trải nghiệm thực tế giúp các em hiểu sâu hơn về huyền thoại mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng là câu chuyện đầu tiên giải thích hai tiếng “đồng bào”; hiểu về sự tích dưa hấu qua câu chuyện về Mai An Tiêm; sự tích bánh Chưng bánh Giày qua câu chuyện về Hoàng tử Lang Liêu.

Qua đây, các em biết về nguồn gốc cột đá thề trên đỉnh non thiêng cũng như lịch sử bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô cùng lời dặn dò còn lưu đến tận hôm nay và mãi mãi về sau: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Từ đó, học sinh có lòng tự hào vì mình đang sinh sống và học tập tại xã Hy Cương là vùng đất Tổ linh thiêng và anh hùng"” nhà giáo Nguyễn Vũ Cường thông tin thêm.

Học sinh Trường Tiểu học Hy Cương (TP. Việt Trì) tham gia hoạt động trải nghiệm. Ảnh nhà trường cung cấp

Học sinh Trường Tiểu học Hy Cương (TP. Việt Trì) tham gia hoạt động trải nghiệm. Ảnh nhà trường cung cấp

Cũng trong dịp này, Trường Tiểu học Thọ Sơn (TP Việt Trì) tổ chức cho gần 300 học sinh tham gia trải nghiệm giáo dục truyền thống lịch sử di sản văn hóa tại Không gian di sản văn hóa các tỉnh, thành phố và tham gia Liên hoan, Triển lãm “Di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam tại quảng trường Hùng Vương thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Theo lãnh đạo nhà trường, việc tổ chức các buổi trải nghiệm cho học sinh thông qua các buổi tham quan thực tế là hoạt động giáo dục bổ ích, có nhiều ý nghĩa và thiết thực.

Đây là môi trường thuận lợi để kết nối, giáo dục học sinh về di sản văn hóa, giúp các em nâng cao nhận thức, sự yêu mến và trân quý về di sản văn hóa quý báu mà ông cha đã sáng tạo và lưu truyền lại.

Qua đó, góp phần giáo dục tình yêu quê hương đất nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa.

Phát huy giá trị di sản văn hóa

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, ngành Giáo dục Phú Thọ đã đưa Hát Xoan vào giảng dạy trong các nhà trường.

Đồng thời, khi xây dựng khung chương trình Giáo dục địa phương cho các cấp học tại Phú Thọ, lĩnh vực văn hóa - lịch sử địa phương được xây dựng xuyên suốt gắn với các chủ đề dạy học từ cấp tiểu học, THCS đến THPT.

Trong đó nội dung các chủ đề hướng tới đều có liên quan mật thiết đến truyền thống vùng Đất Tổ, Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng. Cùng với việc giảng dạy trong nhà trường, các trường còn tổ chức các hoạt động tham quan thực tế, các cuộc thi tìm hiểu về di sản.

Học sinh Trường Tiểu học Thọ Sơn tham gia Hát Xoan

Học sinh Trường Tiểu học Thọ Sơn tham gia Hát Xoan

Cô giáo Lê Thị Việt An - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Công Nghiệp Việt Trì cho biết, việc lồng ghép nhiều hoạt động dạy học trên lớp với giáo dục di sản trong trường học đã góp phần đổi mới phương pháp dạy học, gắn lý thuyết với thực tiễn.

Nhờ đó, góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, văn minh, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các em học sinh trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Việc tổ chức giờ học lịch sử ngay tại Bảo tàng Hùng Vương là minh chứng rõ nét nhất cho mô hình “Trường học gắn với di sản”. Qua đó đã tạo sự tương tác trực tiếp rất lớn giữa học sinh với giáo viên, cán bộ văn hóa, các nghệ nhân.

“Chúng tôi có những hoạt động cho các em tìm hiểu, đó là hoạt động giáo dục địa phương, có thời lượng để giảng dạy cho các em tìm hiểu tất cả những nội dung cơ bản nhất của Hát Xoan Phú Thọ. Chúng tôi có những giờ học lồng ghép ở trên lớp của những môn Lịch sử, Văn, Địa lý và hàng năm thì nhà trường đều có tổ chức các hoạt động để cho học sinh tìm hiểu và tham gia. Ngoài ra, chúng tôi còn có câu lạc bộ hát và âm nhạc", cô giáo Lê Thị Việt An chia sẻ thêm.

Có thể nói, các hoạt động hướng về ngày Giỗ Tổ như tuyên truyền, giáo dục và tổ chức các sự kiện văn hóa truyền thống đã được triển khai một cách tích cực trong nhà trường. Qua đây, các em học sinh được truyền đạt tinh thần yêu nước, tôn vinh truyền thống lịch sử và giá trị văn hóa của dân tộc.

Nhờ đó, các em có thêm cơ hội để phát triển tư duy logic, rèn luyện kỹ năng xã hội và tạo sự gắn kết với cộng đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động của nhà trường còn góp phần thiết thực vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ