Đây là đoạn trích đặc sắc trên nhiều phương diện, trong đó có nghệ thuật sử dụng so sánh tu từ. Nắm bắt đặc điểm cấu tạo, giá trị thẩm mỹ của so sánh tu từ trong “Hai người bạn”, giáo viên có thể giúp học sinh cảm nhận được nhiều vẻ đẹp trong đoạn trích, đồng thời củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng.
Một số đặc điểm trong đoạn trích
Văn bản Hai người bạn trong sách giáo khoa dài 60 câu (trong đó có 6 câu là câu đặc biệt, câu tỉnh lược với dung lượng chỉ có một hoặc hai từ; như “Rầm rầm.”, “Sợ à?”, “Ừ!”, “Thích!”). Trong đoạn trích, có đến 10 lần so sánh tu từ xuất hiện. Như vậy, trung bình cứ 6 câu thì có một lần phép so sánh được sử dụng. Đây là một tỉ lệ cao, nhất là đối với các văn bản tự sự.
Không chỉ xuất hiện với tần số lớn, so sánh tu từ trong Hai người bạn có hình thức cấu tạo khá đa dạng. Có so sánh với cấu tạo đầy đủ bốn yếu tố gồm cái cần so sánh, cơ sở so sánh, từ so sánh và cái được so sánh; chẳng hạn: Tai ù như xay lúa. Có so sánh vắng mặt yếu tố cái so sánh; như: Nghe như có hàng ngàn con ngựa phi ngay trên đầu (ở đây, cái so sánh vắng mặt là “tiếng mưa”). Có so sánh vắng mặt yếu tố cơ sở so sánh, ví như: Mặt trời ló ra sau những áng mây như gương mặt rực rỡ ló ra khỏi tấm chăn voan (cơ sở so sánh ở đây là đặc điểm của Mặt trời lúc ló ra khỏi mây).
Yếu tố cái được so sánh cũng khá linh hoạt. Trong đoạn trích, có khi nhà văn dùng yếu tố được so sánh là một sự vật với trạng thái của nó: Nhìn màn mưa lướt thướt kéo ngang qua tầm mắt, thỉnh thoảng chao đi như bức rèm bị gió thổi. Có khi, cái được so sánh là một hoạt động: Ngay lần đầu gặp gỡ, tôi và thằng Lai-ca đã sung sướng nhìn nhau như thể nhìn vào gương. Có lúc, cái được so sánh là một chủ thể với hoạt động của nó: Nghe như ông trời đứng rải đá từ trên cao.
Về yếu tố từ so sánh, đa số (9/10) so sánh trong đoạn trích dùng từ so sánh quen thuộc “như”. Có một trường hợp từ so sánh là “như thể”: Tôi và thằng Lai-ca đã sung sướng nhìn nhau như thể nhìn vào gương.
Có thể thấy, so sánh tu từ xuất hiện thường xuyên và đa dạng trong đoạn trích hoàn toàn không phải do ngẫu nhiên. Đây là chủ đích nghệ thuật của tác giả. Việc sử dụng một cách linh hoạt, hợp lý các phép so sánh đã mang đến cho đoạn trích nhiều giá trị thẩm mỹ quan trọng.
Giá trị thẩm mỹ
Thứ nhất, so sánh tu từ được sử dụng hiệu quả mang đến giá trị mở rộng trường liên tưởng. Chính yếu tố được so sánh, với tính độc đáo của nó, đã gia tăng sức liên tưởng cho đối tượng. Nhà văn sử dụng so sánh để mang đến những liên tưởng vừa hợp lý vừa độc đáo, thú vị, mới mẻ để bạn đọc thỏa sức tưởng tượng. Chẳng hạn: […] Đó là một cục đen sì, nhớp nháp, đầy những vết rỗ và vết xước như vừa vớt ra từ một cuộc chiến. Trong so sánh này, cái cần so sánh là cục xà phòng mà Lai-ca vừa gặm xong.
Ở đây, để miêu tả trạng thái của cục xà phòng sau khi bị gặm, nhà văn có thể dừng lại ở những đặc điểm “đen sì, nhớp nháp, đầy những vết rỗ và vết xước”. Tuy nhiên, để mở rộng trường liên tưởng, tác giả bổ sung thêm vế so sánh “như vừa vớt ra từ một cuộc chiến”.
Cái được so sánh là “một cuộc chiến” tuy không mang tính cụ thể nhưng cho phép bạn đọc liên tưởng đến sự đổ nát, hỗn độn, hoang tàn. Hơn nữa, cụm động từ “được vớt ra” còn cho phép ta liên tưởng đến một cuộc chiến dưới nước. Cái được so sánh rõ ràng mang tính đa nghĩa. Trường liên tưởng cứ thế rộng mở, gọi mời trí tưởng tượng, sức liên tưởng để làm giàu, sinh động cho hình ảnh, lời văn.
Thứ hai, so sánh tu từ có vai trò quan trọng trong việc gia tăng tính tạo hình. Trong đoạn trích, tác giả Nguyễn Nhật Ánh đã phát huy tối đa giá trị của so sánh tu từ để gia tăng hình ảnh cho đối tượng được miêu tả. Chẳng hạn, để đặc tả tiếng mưa lúc cao trào, tác giả dùng liên tiếp 4 so sánh: Nghe như có hàng ngàn con ngựa phi ngay trên đầu. Nghe như ông trời đứng rải đá từ trên cao. Nghe như ai đó đang thét gào giận dữ. Cuối cùng là nghe như mái nhà sắp sập xuống và đè bẹp chúng tôi.
Tiếng mưa lúc nhẹ hạt dần cũng được đặc liên hệ một hình ảnh so sánh đầy tính tạo hình khác: Mưa nhẹ hạt dần, những tiếng lộp độp trên mái tôn càng lúc càng thu nhỏ lại, nghe như tiếng vó ngựa đang rời đi và chuẩn bị khuất đâu đó đằng sau dãy núi xa. Tiếng mưa là âm thanh, tác động lên thính giác. Nhưng cả năm hình ảnh so sánh đều là những đối tượng cụ thể, sống động (hàng ngàn con ngựa đang phi, ông trời đang rải đá, ai đó đang thét gào, vó ngựa đang rời đi).
Bằng những liên tưởng thú vị, tác giả đã “tạo hình” cho tiếng mưa, biến tiếng mưa như hiện ra trước mắt độc giả bằng những hình ảnh hết sức độc đáo, không những tác động đến thính giác, mà còn gây được hiệu ứng thị giác. Hình tượng tiếng mưa nhờ đó trở nên đầy hình ảnh, gây được ấn tượng sâu sắc.
Thứ ba, so sánh còn góp phần gia tăng tính gợi cảm cho lời văn. Trong đoạn trích, có nhiều đối tượng được so sánh là những hình ảnh thi vị, nên thơ: Như một ngôi nhà mở tung các cửa sổ, như tiếng ngựa đang rời đi và chuẩn bị khuất đâu đó đằng sau dãy núi xa, như bức rèm bị gió thổi, như gương mặt rực rỡ ló ra khỏi tấm voan. Đây cũng là những hình giàu sức gợi cảm, có thể đem đến nhiều cảm xúc cho lời văn cũng như cho độc giả.
Cuối cùng, so sánh tu từ còn góp phần quan trọng vào việc tạo nhịp điệu, âm hưởng cho lời văn. Chẳng hạn, ở đoạn miêu tả tiếng mưa, ngay sau 3 câu đặc biệt đồng thời cũng là 3 từ láy tượng thanh “Rầm rầm. Rầm rầm. Rầm rầm”, tác giả sử dụng liên tiếp 4 so sánh. 4 câu so sánh này có những đặc điểm đáng chú ý như:
Đều tỉnh lược đối tượng so sánh là “tiếng mưa” (gây hiệu ứng gấp gáp); đều lặp lại điệp ngữ “nghe như” (gây hiệu ứng lặp lại, tuần hoàn); phối hợp vần (trên đầu – trên cao – thét gào giận dữ) và thanh điệu nhịp nhàng (câu 1 có 1 chữ thanh trắc 10 chữ thanh bằng, câu 2 có 3 trắc 7 bằng, câu 3 có 4 trắc 5 bằng, câu 4 có 7 trắc 8 bằng. 4 câu chuyển động theo hướng từ nhiều thanh bằng nhiều thanh trắc, tạo hiệu ứng dồn dập). Tất cả cộng hưởng một cách hài hòa, làm cho lời văn giàu nhạc tính, nhịp văn phù hợp với tiết tấu của mưa. Nhờ đó, tiếng mưa được miêu tả hết sức sống động, chân thực.
Nhiều so sánh trong đoạn trích có đối tượng so sánh và đối tượng được so sánh được mở rộng thành phần, được miêu tả kỹ lưỡng với dung lượng từ ngữ lớn. Nhiều so sánh nằm trong một câu dài, đồng thời cũng là một đoạn văn với trên dưới 40 chữ (như so sánh về tiếng mưa lúc nhẹ hạt dần, so sánh về màn mưa, so sánh về cục xà phòng). Cùng với việc mở rộng câu văn, các phép so sánh đã góp phần tạo nên âm hưởng nhẹ nhàng, chậm rãi cho lời văn, phù hợp với việc miêu tả chi tiết đối tượng, thể hiện dòng cảm xúc, tâm trạng miên man của nhân vật.
Như vậy, so sánh tu từ trong đoạn trích được sử dụng một cách hiệu quả, đem lại nhiều hiệu ứng thẩm mỹ bất ngờ. Trong truyện Nguyễn Nhật Ánh, so sánh tu từ được sử dụng thường xuyên và đặc sắc, góp phần làm nên phong cách nghệ thuật của nhà văn. Trích đoạn Hai người bạn là một ví dụ.
Vận dụng cho học sinh
Trong chương trình Ngữ văn 6, so sánh tu từ là một nội dung quan trọng trong việc phát triển, rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Việt cho học sinh. Giáo viên có thể khai thác những so sánh tu từ đặc sắc trong các văn bản cho nội dung Đọc, Nghe, Thực hành đọc, trong đó có trích đoạn Hai người bạn, để giúp các em dễ dàng nhận diện, cảm nhận được vẻ đẹp của so sánh tu từ cũng như có kỹ năng sử dụng so sánh tu từ vào việc tạo lập văn bản.
Trong Hai người bạn, so sánh tu từ không chỉ nhiều, gần gũi, mà còn đa dạng, giàu giá trị thẩm mỹ. Đây là một trong những nguồn ngữ liệu hay, thiết thực mà giáo viên có thể khai thác. Chẳng hạn, từ sự đa dạng về đặc điểm cấu tạo của so sánh trong đoạn trích, người dạy có thể giúp các em biết được rằng so sánh tu từ không phải lúc nào cũng theo mô hình cái so sánh – cơ sở so sánh – từ so sánh – cái được so sánh, mà có thể vắng mặt một hoặc trong bốn yếu tố trên, và ở nhiều trường hợp, sự vắng mặt này lại mang đến những giá trị độc đáo.
Rèn luyện kỹ năng sử dụng phép so sánh tu từ cho học sinh không ngoài mục đích giúp các em có thể vận dụng một cách linh hoạt, hiệu quả phép tu từ này nhằm đem lại những hiệu quả diễn đạt cần có. Giáo viên có thể phân tích 5 so sánh về tiếng mưa trong đoạn trích để giúp các em thấy được hiệu quả thẩm mỹ của so sánh trong việc tạo hiệu ứng về tiếng mưa. Từ đó, giúp các em hình thành kỹ năng biết sử dụng so sánh tu từ để tăng hiệu quả diễn đạt trong những trường hợp cần thiết (như miêu tả cánh đồng, thuyết minh về một thắng cảnh, kể về một câu chuyện).
Để sử dụng so sánh tu từ hay, ấn tượng đòi hỏi người viết, nói phải chọn được những hình ảnh so sánh “đắc địa”. Đó phải là những hình ảnh vừa hợp lý vừa độc đáo, mới lạ; vừa có mối tương quan với đối tượng vừa giàu khả năng liên tưởng, gợi cảm… Giáo viên có thể phân tích những hình ảnh so sánh độc đáo, thú vị trong Hai người bạn (như ngôi nhà mở tung các cửa sổ, hàng ngàn con ngựa phi ngay trên đầu, ông trời đứng rải đá từ trên cao, bức rèm bị gió thổi…) để giúp các em nhận thức được vai trò quyết định sự thành công của hình ảnh so sánh trong các phép so sánh tu từ.
Tóm lại, không phải ngẫu nhiên mà Hai người bạn trích từ Tôi là Bê-tô, tác phẩm truyện đồng thoại nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, được chọn đưa vào chương trình Ngữ văn 6 (tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống). Hai người bạn không chỉ là câu chuyện dễ thương về tình bạn giữa Bê-tô và Lai-ca, mà còn là một trích đoạn hay với những đặc sắc về thủ pháp nghệ thuật. So sánh tu từ là một thành công của nhà văn trong đoạn trích này. Giáo viên có thể sử dụng những phép so sánh trong đoạn trích làm ngữ liệu cho việc rèn luyện kỹ năng sử dụng so sánh tu từ ở học sinh.