Nguyễn Nhật Ánh có lẽ là nhà văn duy nhất ở Việt Nam hiện nay giữ được bút lực dồi dào khi liên tiếp ra mắt tác phẩm mới. Hơn thế, mỗi cuốn sách của ông đều trở thành best-seller với số lượng phát hành lớn ngay trong lần xuất bản đầu tiên. Viết khỏe là thế nhưng ngoài đời nhà văn lại vô cùng kiệm lời. Ngay cả trong buổi ra mắt sách Ngày xưa có một chuyện tình, ông cũng "né" báo giới với lý do: "Tất cả đều có trong sách, tôi không có gì để nói".
- "Ngày xưa có một chuyện tình" tiếp nối các câu chuyện tình yêu học trò trong "Mắt biếc", "Cô gái đến từ hôm qua"… Vậy tình yêu trong tác phẩm mới có gì đặc biệt thưa ông?
- Chuyện tình yêu học trò thì tôi đã viết từ lâu nhưng lần nay tôi muốn cho các nhân vật lớn lên, để xem chúng phản ứng với mọi thứ xung quanh thế nào, hoàn cảnh bất lợi ra sao. Về góc độ người viết, tôi vừa tò mò khám phá nhân vật, đồng thời khám phá chính giới hạn của bản thân.
Trước đây, bạn đọc thường hỏi tôi sao sách của chú Ánh viết có kết thúc hơi lơ lửng, không biết nhân vật nam nữ có yêu nhau không, không đám cưới.
Lại có những thắc mắc về các nhân vật nam trước đây của tôi thường là khù khờ, tốt bụng và bị con gái bỏ. Tôi tức quá, viết tác phẩm này để chứng minh người tốt, tử tế thì vẫn kết thúc có hậu. Một chàng trai tốt, biết yêu chân thành thì sẽ gieo lên tình yêu ở người con gái chứ con gái không chỉ thích hot boy.
Trong tác phẩm này, tôi còn muốn nói ở đời làm người tốt khó hơn người xấu. Người xấu dễ lắm vì cứ làm theo những bản năng thấp hèn, không phải cố gắng. Để trở thành người tốt rất khó vì phải chế ngự con quái vật trong lòng mình có tên là dục vọng, bản năng. Khi trở thành người tốt thì mình thú vị và thanh bình lắm.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ảnh: Bá Ngọc.
- Trong truyện, ông hóa thân thành 3 nhân vật chính. Đặc biệt có nhân vật nữ với nhiều diễn biến tâm trạng, từ nhỏ đến khi mang bầu, sinh con. Ông gặp khó khăn gì khi sống cùng lúc với 3 nhân vật?
- Đó là sự bí ẩn, năng khiếu của nhà văn. Một nhà văn có thể hóa thân được nhiều nhân vật ở mọi lứa tuổi khác nhau. Viết về nữ không phải là khó khăn vì trong cuộc đời tôi phải tiếp xúc với bao nhiêu người nữ như bà, cô, vợ con, cháu… Mặc dù mình không chủ ý quan sát để viết văn nhưng tiếp xúc nhiều với họ thì các đặc điểm ấy tự nhiên như nước ngấm vào miếng bọt biển. Vì vậy, lúc viết thì tự động tuôn ra. Tôi vẫn nói vui, mình viết con chó còn viết được chứ nói gì là phụ nữ.
Cuốn sách này thật ra tôi viết trước Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng. Tuy nhiên, có những lúc tôi cảm thấy không phát triển được nên quay ra viết những cuốn khác. Viết cuốn này hơi mệt là khai thác nội tâm rất nhiều, nhất là nội tâm của nhân vật nữ.
- Vốn mang danh nhà văn thiếu nhi nhưng trong tác phẩm mới có cả những cảnh làm tình, sinh con. Vậy ông có ngại điều này sẽ làm giảm bớt lượng độc giả thân thiết?
- Trước đây mọi người gọi Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn thiếu nhi. Danh hiệu đó như cái thánh giá mình phải vác trên vai, trở thành gánh nặng không cho phép nhà văn cơi nới rộng bờ cõi tâm hồn, cuộc sống của nhân vật thành ra tôi cứ ngại ngần khi ra sách. Lần này, tôi đã dự tính in thêm dòng chữ 16+. Nhưng lạ sợ mang tiếng câu khách. Khi đưa bản thảo cho NXB Trẻ nhưng mọi người đọc đều bảo không có gì nhạy cảm.
Tôi không sợ các em thiếu nhi không còn ủng hộ mình. Tôi chỉ sợ các bậc phụ huynh mua sách tặng con nhỏ quá như dưới 10 tuổi thì không phù hợp. Với cuốn sách này, độc giả tuổi nhỏ có thể giảm đi nhưng độc giả ở tuổi lớn thì tăng lên vì vậy tôi không lo.
Về chuyện sáng tác, nhà văn viết những gì mình thấy hứng thú thì viết chứ không nghĩ đến viết cho độc giả ở tuổi nào. Tuy vậy, tôi nghĩ tới một lúc, mình phải viết một cuốn sách để đưa những trải nghiệm của bản thân vào trong đó, chia sẻ với mọi người thì cũng rất thú vị.
Nhà văn kí tặng sách trong ngày ra mắt "Ngày xưa có một chuyện tình". Ảnh: Bá Ngọc.
- Từ đầu năm đến nay ông ra mắt 2 tác phẩm. Sức viết của Nguyễn Nhật Ánh luôn khiến bạn văn nể phục. Vậy ông "thu nạp" năng lượng, cảm xúc thế nào?
- Chắc do tôi yêu nghề, thích viết văn và quan trọng là tôi viết mỗi ngày. Mỗi lần viết một cuốn sách mới, tôi đều thấy hào hứng, hồi hộp như viết tác phẩm đầu tay. Khi nhà văn thấy nhàm chán, bão hòa thì hết viết, không còn động lực sáng tạo nữa. Rất may tôi chưa rơi vào trường hợp đó.
- Nhiều tác giả kiểm soát rất kỹ tác phẩm của mình khi được chuyển thể thành phim. Ông thì ngược lại, vì sao vậy?
- Các đạo diễn thưởng đưa kịch bản nhờ tôi xem và góp ý nhưng tôi đều không ý kiến. Đạo diễn cảm thụ tác phẩm thế nào là quan điểm của họ, không thể áp đặt của mình lên họ được.
Nếu họ làm hay thì được khen còn nếu dở thì bị chê. Tất cả đều không liên quan đến tôi. Nhà văn đâu có sở trường như đạo diễn mà ý kiến về phim. Tôi quan niệm rạch ròi, mỗi người chỉ có thể cày tốt trên mảnh đất của mình. Phim thì hãy để đạo diễn làm, còn nhà văn thì viết văn thôi.
Nhiều người cũng hỏi thành công của phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có phải là thành công của tôi ở khía cạnh khác. Tôi trả lời ngay, đó là thành công của đạo diễn Victor Vũ. Nếu thành công, tôi chỉ thành công với tác phẩm văn học.