Số người mắc Covid-19 tại ổ dịch Thanh Xuân Trung đã lên tới 302 ca

GD&TĐ - Sau 6 ngày bùng phát, ổ dịch Thanh Xuân Trung đang là địa bàn có nguy cơ cao nhất tại Hà Nội với số ca nhiễm đến trưa 30/8 là 302 ca, ổ dịch khiến nhiều người lo lắng về tình trạng dịch bệnh xảy ra tại Hà Nội.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vì sao Quận Thanh Xuân là địa bàn nguy cơ cao nhất?

Hiện Hà Nội có 4 ổ dịch lớn tại các quận nội thành Hà Nội gồm P Thanh Xuân Trung (Q Thanh Xuân), P.Giáp Bát (Q.Hoàng Mai), P.Văn Chương và P.Văn Miếu (Q.Đống Đa), chung cư HH4C Linh Đàm (Q.Hoàng Mai) đều đã được phong tỏa, thiết lập khu vực cách ly y tế gần như ngay lập tức sau khi phát hiện các ca dương tính đầu tiên.

Theo Sở Y tế Hà Nội công bố trưa 30/8, Hà Nội ghi nhận thêm 45 ca mắc Covid-19 mới, riêng ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) có 32 ca.

Trước đó, theo UBND quận Thanh Xuân, tại ngõ 328 và 330 đường Nguyễn Trãi, trong 3 ngày 24 đến 26/8 đã phát hiện 104 ca dương tính và chưa rõ nguồn lây. 

Như vậy đến nay từ 24 đến 30/8, Thanh Xuân Trung đang là ổ dịch phức tạp nhất, lây nhiễm nhanh và nhiều nhất Hà Nội với tổng số ca nhiễm Covid-19 là 302 ca.

Tại cuộc kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận Thanh Xuân sáng 25/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh giá quận Thanh Xuân đang là địa bàn nguy cơ cao nhất.

Từ hai mẹ con ở ngõ 330 đường Nguyễn Trãi đi xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh có kết quả dương tính hôm 23/8, tính đến trưa nay (25/8), gần 50 ca nhiễm liên quan đến ổ dịch này, tập trung chủ yếu ở ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi. Đây là hai địa bàn đã được phong tỏa từ ngày 24/8.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, cho biết qua kết quả điều tra, truy vết tạm thời đã xác định được 3 nguồn lây trong cùng một thời điểm tại chùm ca bệnh ở phường Thanh Xuân Trung, tuy nhiên "lây cụ thể ở đâu thì chưa rõ" vì đang trong thời gian giãn cách xã hội nên người dân ngại khai báo đi đâu, ở đâu.

Chốt cách ly ngõ 328 và ngõ 330 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Ảnh: T.Đ.

Chốt cách ly ngõ 328 và ngõ 330 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Ảnh: T.Đ.

Ông Tuấn cho rằng, chùm ca bệnh mới này đã xuất hiện trong một thời gian, hiện đã đến vòng lây nhiễm thứ 2, thứ 3.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, ở Thanh Xuân đã có 10/11 phường ghi nhận ca bệnh Covid-19. Sở Y tế đề nghị quận Thanh Xuân tăng cường lực lượng, bố trí chốt trực ở các ngách trong các khu phong tỏa ở ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi; thành lập ít nhất 15 tổ giám sát Covid-19 để thực hiện kiểm soát, kịp thời lẫy mẫu xét nghiệm 3 ngày/lần để nhanh chóng bóc tách F0 khỏi cộng đồng.

Khu vực xuất hiện chùm ca bệnh này lại ở khu tập thể cũ với mật độ dân cư đông, ngõ nhỏ, ngách nhỏ, diện tích chật hẹp nên khả năng tiếp xúc rất lớn. Chùm ca bệnh này có sự tương đồng như chùm ca bệnh ở phường Văn Chương, hay phường Văn Miếu (quận Đống Đa).

Dự báo, khả năng lây nhiễm tại chùm ca bệnh tại phường Thanh Xuân Trung rất cao, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới.

Ông Tuấn cho biết, nguyên nhân do có sự giao lưu, F0 xâm nhập vào. Phần lớn các chùm ca bệnh được tập trung ở khu chật hẹp, giao lưu đi lại nhiều như: Chợ, siêu thị, khu tập thể cũ…; đồng thời lây nhiễm trong khu phong tỏa với mật độ dân cư cao, quản lý phong tỏa không chặt, vẫn có sự giao lưu; lây chéo trong khu cách ly, lây nhiễm từ khu cách ly ra cộng đồng...

Ông Tuấn đánh giá các khu vực được xác định là nguy cơ, đã được lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng, trước mắt không lo ngại. Đơn cử như các khu vực như phường Văn Chương (quận Đống Đa) hay khu chung cư HH4C Linh Đàm (quận Hoàng Mai) đã được khoanh vùng, nếu có lây nhiễm chủ yếu là các trường hợp F1, các trường hợp có liên quan. 

Tuy nhiên, việc phát sinh ca bệnh ở những khu vực không thuộc vùng nguy cơ (như phường Thanh Xuân Trung) là một khó khăn của việc phòng chống dịch ở Thủ đô hiện nay.

Theo CDC Hà Nội, nguyên nhân lây nhiễm nhanh như ở Thanh Xuân Trung một phần là người dân không tuân thủ tốt quy định giãn cách ngay tại khu dân cư. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng không kiểm soát chặt mọi đối tượng ra vào ở các khu vực tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Những yếu tố này làm cho việc kiểm soát, khống chế dịch trở nên phức tạp, khó khăn hơn nhiều.

Theo thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, để không bị lây lan dịch bệnh cho mình và cho xã hội, mỗi người người dân cần phải tận dụng tốt thời gian giãn cách xã hội để ở yên trong nhà, phòng, chống dịch.
Mặt khác, chính quyền cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa việc tuân thủ giãn cách, quy định 5K của người dân ở bên trong mỗi khu chung cư, lắp camera để phát hiện và xử phạt nghiêm minh những người vi phạm, không thể thực hiện giãn cách xã hội nửa vời, một người lơ là làm bao người vất vả, hao tổn nguồn lực xã hội.

Nguyên nhân ca mắc Covid-19 tăng

Đáng lo ngại là ổ dịch này xảy ra trong thời điểm toàn thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND thành phố với tinh thần "ai ở đâu ở đó". Vậy nguồn lây nhiễm từ đâu và đã có tuyến phòng thủ nào bị "chọc thủng" khiến dịch bệnh lây lan nhanh tại đây và làm thế nào để bịt "lỗ hổng", không để xảy ra ổ dịch thứ hai như Thanh Xuân Trung đang là vấn đề đặt ra với Hà Nội lúc này.

Sau khi ổ dịch ở Thanh Xuân Trung trở thành điểm nóng của thành phố, UBND quận Thanh Xuân xác định nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do nhận thức về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của một số cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn còn hạn chế.

Đáng nói, nhiều người dân chưa nhận thức đúng mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, thiếu sự hợp tác với chính quyền trong công tác phòng chống dịch. Dù đang trong thời gian thực hiện Chỉ thị 17 của thành phố nhưng tại Thanh Xuân Trung còn có hiện tượng chặt ngoài lỏng trong. Nghĩa là, bên ngoài nhiều ngõ phố chăng dây đặt chốt chặn nhưng bên trong người dân vẫn tự do đi lại giữa các gia đình.

Còn theo một thông tin khác từ UBND quận Thanh Xuân, bước đầu điều tra nguồn lây bệnh cho ngõ 328 và 330 có thể từ người giao hàng (shipper) và cả những người bán hàng thiết yếu mang đến.

Lực lượng chức năng làm công tác phòng chống dịch tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Ngô Nhung.

Lực lượng chức năng làm công tác phòng chống dịch tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Ngô Nhung.

Để khóa chặt ổ dịch này, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng đã quyết định phong tỏa cách ly y tế tạm thời ngõ 328 và từ số nhà 2B đến hết ngõ 330 đường Nguyễn Trãi, từ 14 giờ 00 ngày 23/8 đến 14 giờ 00 ngày 30/8 (7 ngày). Ngay sau đó, nhiều lớp hàng rào, chốt trực đã được dựng lên tại đây. UBND quận Thanh Xuân đồng thời tổ chức xét nghiệm cho toàn bộ cư dân ở khu vực cách ly, phong tỏa y tế để tiếp tục bóc F0 ra khỏi cộng đồng.

Thông tin trên báo chí, ông Nguyễn Việt Hà, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân cho rằng, từ ổ dịch Thanh Xuân Trung, địa phương đã rút kinh nghiệm và đưa ra nhiều bài học trong công tác phòng chống dịch. Trong đó xác định, chống dịch bệnh Covid- 19 là nhiệm vụ cấp bách trước mắt và lâu dài và được nâng lên ở cấp độ cao hơn.

Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Do vậy, để xốc lại tinh thần "chống dịch như chống giặc", ngày 27/8, Quận ủy đã ban hành Nghị quyết 08 về lãnh đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn với mục tiêu: bảo vệ tính mạng của nhân dân là trên hết, không để xảy ra ổ dịch thứ hai trên địa bàn quận.

Về giải pháp cụ thể xử lý ổ dịch trên, ông Nguyễn Việt Hà thông tin, hiện tại quận đã cho xét nghiệm lần 2 đối với những người dân trong ngõ 328 và 330 cùng khu vực xung quanh. An ninh tại khu vực đã được thắt chặt hơn với 3 vòng cộng với camera giám nhằm kiểm soát mọi hoạt động của người dân 24/24 giờ, để đảm bảo gia đình nào ở yên trong gia đình đó.

Qua quá trình thực hiện các biện pháp trên, người dân ở khu vực đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình nên đã rất tuân thủ các quy định của chính quyền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.