Số người chết do động đất tiếp tục tăng, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu hành động pháp lý

GD&TĐ - Lực lượng cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo thêm nhiều người sống sót khỏi đống đổ nát ngày 12/2 - gần một tuần sau thảm họa động đất.

Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ trò chuyện với người dân địa phương khi họ ăn trưa, sau hậu quả của trận động đất chết người, ở Hatay.
Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ trò chuyện với người dân địa phương khi họ ăn trưa, sau hậu quả của trận động đất chết người, ở Hatay.

Trong khi đó, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách duy trì trật tự trên toàn khu vực thảm họa và bắt đầu hành động pháp lý đối với các vụ sập tòa nhà.

Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết cho đến nay đã xác định được 131 nghi phạm chịu trách nhiệm về một số tòa nhà bị san phẳng ở 10 tỉnh bị ảnh hưởng.

Khi cơ hội tìm thấy nhiều người sống sót ngày càng mờ mịt hơn, số người thiệt mạng ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau trận động đất hôm 6/2 và các cơn dư chấn lớn đã tăng lên trên 33.000 và có vẻ sẽ tiếp tục tăng. Đây là trận động đất kinh hoàng nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939.

Tại quận trung tâm Antakya của một trong những thành phố bị tàn phá nặng nề nhất ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, các chủ doanh nghiệp đã dọn sạch cửa hàng của họ vào ngày 12/2 nhằm ngăn kẻ gian lấy cắp hàng hóa.

Người dân và nhân viên cứu trợ đến từ các thành phố khác cho biết điều kiện an ninh ngày càng tồi tệ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đang đối mặt những câu hỏi về phản ứng của ông đối với trận động đất khi chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc gia được cho là khó khăn nhất trong hai thập kỷ cầm quyền của mình. Ông cho biết chính phủ sẽ kiên quyết đối phó với những kẻ cướp bóc.

Ở Syria, động đất ảnh hưởng nặng nề nhất ở vùng tây bắc do quân nổi dậy kiểm soát. Một lần nữa nó khiến nhiều người lại lâm vào tình trạng vô gia cư. Họ đã phải di dời nhiều lần bởi cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ. Khu vực này nhận được rất ít viện trợ so với các khu vực do chính phủ nắm giữ.

"Cho đến nay, chúng ta đã làm người dân ở tây bắc Syria thất vọng" - giám đốc viện trợ của Liên Hợp Quốc Martin Griffiths viết trên Twitter từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, nơi chỉ có một cửa khẩu duy nhất được mở để tiếp nhận hàng viện trợ của Liên Hợp Quốc.

Ông cho biết họ đang cảm thấy bị bỏ rơi và ông đang tập trung giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng.

Hơn 6 ngày sau khi trận động đất đầu tiên xảy ra, nhân viên cấp cứu vẫn tìm thấy một số ít người đang cố gắng sống sót trong đống đổ nát của những ngôi nhà vốn đã trở thành nấm mồ cho hàng ngàn người.

Một đội cứu hộ Trung Quốc và lính cứu hỏa Thổ Nhĩ Kỳ đã cứu được một người Syria tên là Malik Milandi, 54 tuổi, sau 156 giờ trong đống đổ nát ở Antakya.

Trên con đường chính dẫn vào thành phố, một vài tòa nhà còn sót lại đã có những vết nứt lớn hoặc mặt tiền bị nứt. Giao thông thỉnh thoảng bị dừng lại khi lực lượng cứu hộ kêu gọi im lặng để phát hiện dấu hiệu của sự sống còn sót lại dưới đống đổ nát.

Một người cha và con gái, một đứa trẻ mới biết đi và một bé gái 10 tuổi nằm trong số những người sống sót khác được kéo ra khỏi đống đổ nát của các tòa nhà bị sập. Tuy nhiên, những kỳ tích như vậy ngày càng hiếm khi số người chết tăng lên không ngừng.

Tại một đám tang gần Reyhanli, những người phụ nữ che mặt khóc lóc và đấm ngực khi nhiều thi thể được dỡ xuống khỏi xe tải.

Một số cư dân đã tìm cách lấy lại những có thể sau động đất.

Tại Elbistan, nơi xảy ra dư chấn mạnh hôm 6/2, chủ cửa hàng điện thoại di động 32 tuổi Mustafa Bahcivan cho biết anh đến thị trấn này gần như hàng ngày kể từ hôm đó. Hôm 12/2, anh đã lục tung đống đổ nát để tìm kiếm bất kỳ chiếc điện thoại nào của mình có thể vẫn còn nguyên vẹn và có thể bán được.

"Đây từng là một trong những con phố nhộn nhịp nhất. Giờ nó hoàn toàn biến mất" - anh nói.

Theo Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.