Ngắm thành phố nổi có sức chứa 50.000 cư dân

GD&TĐ - Một dự án kiến trúc chung giữa Anh và Italy đã tạo ra 'thành phố nổi' được cho là có thể là nơi trú ngụ của 50.000 người.

Thiết kế của Luca Curci Architects (Italy) và Tim Fu Design (Vương quốc Anh).
Thiết kế của Luca Curci Architects (Italy) và Tim Fu Design (Vương quốc Anh).

Ý tưởng trên được một nhóm kiến trúc sư và nhà thiết kế quốc tế của công ty Luca Curci Architects (Italy) và Tim Fu Design (Vương quốc Anh) ấp ủ.

Họ đã cùng nhau thiết kế một thành phố thân thiện với môi trường, thích ứng với nhu cầu khí hậu trong tương lai.

Những hình ảnh do máy tính tạo ra cho thấy thiết kế tưởng tượng của thành phố giống với bộ phim khoa học viễn tưởng năm 2013 có tên Elysium do Matt Damon thủ vai chính.

Thành phố trên vẫn nằm trong thế giới ảo, ít nhất là cho đến bây giờ.

Tuy nhiên, năm nay các công ty kiến trúc có kế hoạch trưng bày các bản thiết kế của họ tại Biennale Architettura - một lễ hội và triển lãm kiến trúc nổi tiếng thế giới ở Venice.

Những hình ảnh minh họa về thành phố nổi cho thấy một mạng lưới các cấu trúc màu trắng mượt mà được kết nối với nhau bằng một loạt các đường cong tỏa ra từ trung tâm thành phố. Với tính thẩm mỹ trung lập, các tòa nhà trong thành phố tương lai này được tô điểm bằng không gian xanh tươi tốt.

Ở đây cũng thể hiện sự kết hợp giữa những ngôi nhà cao tầng và thấp tầng mang đến không gian sống rộng rãi với thiết kế nội thất lộng lẫy.

Kiến trúc sư Luca Curci đã đưa ra tuyên bố về việc phát hành thiết kế của họ, theo đó được tạo ra để đối phó với mối đe dọa của biến đổi khí hậu.

“Thành phố nổi được thiết kế để ủng hộ phản ứng toàn cầu trước mối đe dọa của biến đổi khí hậu. Thành phố nổi sẽ định hình tương lai của chúng ta” – Tuyên bố cho biết.

Công ty cho biết thêm, thành phố bền vững cho phép cư dân của mình có lối sống lành mạnh hơn, kết hợp với các yếu tố tự nhiên..

Theo kiến trúc sư Luca Curci, cộng đồng tương lai sẽ có tổng cộng 25 hecta nền tảng và nhiều vùng lân cận khác nhau được kết nối lại.

Mỗi phần sẽ bao gồm các tòa nhà cao tầng và thấp tầng được bao quanh bởi một màng kính quang điện cung cấp điện cho toàn bộ hệ thống nổi, giúp nó độc lập về năng lượng.

Rất khó để xác định thời điểm thành phố nổi đầu tiên được thiết kế, vì khái niệm này có thể đã tồn tại hàng thế kỷ, đặc biệt là ở các cộng đồng ven biển, nơi người dân đã tìm cách thích nghi với nước dâng cao trong lịch sử.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây đã có nhiều đề xuất và thiết kế khác nhau cho các thành phố nổi, với mục đích giải quyết các thách thức do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Thành phố nổi được OCEANIX đề xuất.

Một trong những khái niệm thành phố nổi đáng chú ý nhất được OCEANIX đề xuất vào năm 2021. Họ đã nhận được tài trợ từ Liên Hợp Quốc để xây dựng một mạng lưới các nền tảng kết nối với nhau có đủ không gian sống cho 12.000 người ở thành phố Busan, Hàn Quốc.

Việc xây dựng OCEANIX Busan ước tính trị giá 200 triệu USD và dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Dự án này nhằm giúp đỡ những người dân sống ở các khu vực ven biển, những cộng đồng có nguy cơ bị xóa sổ trong bối cảnh mực nước biển dâng cao.

Theo OCEANIX, cứ 5 người trên thế giới thì có 2 người sống trong phạm vi khoảng 100km tính từ bờ biển.

Một số hình ảnh về thành phố nổi trong tương lai của các kiến trúc sưa Italy và Anh:

Theo Daily Mail

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ