Số hóa dữ liệu

GD&TĐ - Hai năm nay, giáo viên, cán bộ quản lý (CBQL) cơ sở giáo dục phổ thông triển khai đánh giá theo chuẩn trên Hệ thống thông tin quản lý bồi dưỡng giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông (TEMIS).

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

TEMIS là hệ thống “động” với số liệu được cập nhật thường xuyên bởi chính giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông và được quan sát, chiết xuất báo cáo bởi phòng GD&DT, sở GD&ĐT và Bộ GD&ĐT. Mỗi người dùng được trang bị một tài khoản với những chức năng cụ thể và thực hiện đánh giá theo quy định, giúp quy trình này được thực hiện công khai, minh bạch, chính xác và có thể kiểm soát (đặc biệt là về minh chứng đánh giá).

Hiện nay, Hệ thống TEMIS được Bộ GD&ĐT áp dụng tạm thời là phiên bản 1.0 do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel hỗ trợ miễn phí. Theo lộ trình, hệ thống này được liên thông và bổ sung cho hệ thống cơ sở dữ liệu ngành đã được Bộ GD&ĐT triển khai trong những năm gần đây.

Thời gian đầu, một bộ phận giáo viên, CBQL cảm thấy ngại, thấy như bị thêm việc do chưa có thói quen lưu giữ minh chứng nên khó khăn khi cập nhật lên hệ thống. Lợi ích, ý nghĩa của TEMIS, có lẽ không ít thầy cô cũng chưa nhận thức được đầy đủ.

Hai năm triển khai đã cho thấy, không chỉ giáo viên mà rất nhiều bên liên quan được thụ hưởng lợi ích từ hệ thống này. Giáo viên được đánh giá theo chuẩn một cách công khai, minh bạch, chính xác; lưu hồ sơ minh chứng trên hệ thống online đầy đủ, dễ dàng truy cập; từ đó mỗi người theo dõi được xu hướng phát triển năng lực chuyên môn để có kế hoạch bồi dưỡng, tự bồi dưỡng phù hợp, đáp ứng mục tiêu giáo dục của nhà trường, địa phương và của ngành Giáo dục.

Thông tin trên hệ thống còn giúp cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục (phòng/sở/Bộ GD&ĐT) và cơ sở giáo dục phổ thông nắm bắt xu hướng phát triển nghề nghiệp của đội ngũ dựa trên kết quả đánh giá theo chuẩn; theo dõi và ghi lại đánh giá của giáo viên, CBQL về các chương trình bồi dưỡng thường xuyên; thu thập thông tin về nhu cầu bồi dưỡng của đội ngũ, làm căn cứ cho việc rà soát, cập nhật điều chỉnh chương trình bồi dưỡng thường xuyên.

Từ đó, xây dựng, thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ; lựa chọn, sử dụng đội ngũ giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán... Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, CBQL giáo dục phổ thông, với TEMIS, có căn cứ để rà soát, cập nhật điều chỉnh chương trình, tài liệu và các phương thức tổ chức học tập, hỗ trợ bồi dưỡng...

Đến 31/3/2021, có 57 sở GD&ĐT đã hoàn thành Báo cáo TEMIS 2020 và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT và các sở GD&ĐT. Việc xây dựng báo cáo TEMIS hằng năm tiếp tục được thực hiện để thu thập dữ liệu về đánh giá theo chuẩn, tình hình bồi dưỡng thường xuyên và nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông, dựa trên nguyên tắc bảo đảm phát huy tối đa vai trò của địa phương, nhà trường, giáo viên và CBQL trong công tác bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ.

Tin rằng, khi đã nhận thức đầy đủ, việc cập nhật thông tin lên TEMIS sẽ trở thành nhu cầu tự thân của mỗi giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông, vì lợi ích của chính mình và rộng hơn là vì sự phát triển giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.