Số hóa để lan tỏa sự độc đáo nghề thủ công Việt

GD&TĐ - Thủ công truyền thống được xác định là một trong những 'đặc sản' của làng nghề Việt Nam.

Sản phẩm gốm Bát Tràng trên nền tảng Google Arts & Culture.
Sản phẩm gốm Bát Tràng trên nền tảng Google Arts & Culture.

Không phải cứ số hóa thì làng nghề sẽ phát triển, nhưng trong thời đại công nghệ số, nếu không số hóa thì sản phẩm và sự độc đáo của nghề thủ công sẽ ít được biết tới.

Để câu chuyện nghề thủ công vươn xa

Thủ công truyền thống được xác định là một trong những “đặc sản” của làng nghề Việt Nam. Đặc biệt trong thời đại công nghiệp, sự phân tách giữa sản phẩm thủ công càng được coi trọng. Đó là văn hóa, cũng là câu chuyện chính để kể về sự độc đáo khi làng nghề số hóa sản phẩm của mình trên nền tảng công nghệ.

Mới đây, nền tảng Google Arts & Culture - bách khoa toàn thư về văn hóa và nghệ thuật toàn cầu, chứng kiến sự “góp mặt” của Bát Tràng Museum. Đây cũng là bảo tàng đầu tiên tại Việt Nam được xuất hiện trên nền tảng nghệ thuật số hóa của Google.

Từ năm 2011, nền tảng này đã hợp tác với hơn 3.000 tổ chức văn hóa trên 80 quốc gia, tạo nên kho tàng kiến thức đồ sộ về di sản văn hóa thế giới được tiếp cận mọi lúc mọi nơi. Từ những bức tranh vẽ phòng ngủ của Van Gogh, di sản của Puerto Rico, thể thao ở Úc, phong trào nữ quyền đến những ngôi đền cổ Maya, ẩm thực Nhật Bản hay đường sắt ở Ấn Độ.

Tại Việt Nam, từ năm 2021 Tổng cục Du lịch đã phối hợp Google Arts & Culture để đưa các kỳ quan, văn hóa và nghệ thuật Việt Nam lên kho tàng di sản toàn cầu này. Nổi bật là dự án “Kỳ quan Việt Nam” với quần thể danh lam thắng cảnh Tràng An, hệ thống hang Sơn Đoòng.

Trong lần ra mắt này, ngoài việc trưng bày hơn 30 tác phẩm độc bản của cố Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thắng - người sáng lập bảo tàng. Bát Tràng Museum còn giới thiệu nhiều câu chuyện văn hóa về nghề và người của làng gốm có tuổi đời 700 năm, bằng ngôn ngữ Việt - Anh trên nền tảng Google Arts & Culture, để câu chuyện về nghề truyền thống vươn xa hơn.

Với 50 năm gắn bó với nghề gốm gia truyền, các tác phẩm độc bản của cố nghệ nhân Vũ Thắng có phong cách đặc trưng với kỹ thuật phủ men chồng màu, tạo biểu cảm lạ cho gốm, mang đậm hơi thở thời đại và dấu ấn sáng tạo.

Ngoài 12 chiếc giày bốt bằng gốm độc bản từng triển lãm vào năm 2022, được chụp bởi nhiếp ảnh gia Lâm Trúc Quỳnh, trong lần ra mắt này một số tác phẩm chọn lọc cũng được giới thiệu trên Google Arts & Culture.

Trong đó, tác phẩm thực hiện nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: “Bộ đôi bình rồng đắp nổi” khổng lồ thể hiện các địa danh nổi tiếng của Hà Nội và các cuộc kháng chiến lừng lẫy của Việt Nam cũng được chọn. Bên cạnh đó là tác phẩm “Chim sổ lồng” bằng gốm, một chiếc đóng kín và một chiếc chim đậu bên ngoài, nhằm đề cao ý nghĩa của sự tự do, phóng khoáng.

“Tác phẩm được làm trong 1 tháng bằng tay với những nan lồng được tạo hình khéo léo như những chiếc nan tre thật. Điều chính nghệ nhân cũng không ngờ tới đó là khi nung ở nhiệt độ 1.250 độ, những chiếc nan lồng mềm như sợi bún và có độ lún tự nhiên, vô tình tạo nên một tạo hình thú vị, làm mạnh thêm ý nghĩa của tác phẩm ban đầu”, ông Vũ Khánh Tùng - Giám đốc Bát Tràng Museum cho hay.

Cuối cùng, Bát Tràng Museum chọn “Bộ thống vẽ phong cảnh 3 miền” khắc họa phong cảnh nổi tiếng từ Bắc tới Nam: Văn Miếu Quốc Tử Giám, hồ Gươm, chùa Một Cột, đền Hùng, cố đô Huế, chợ Bến Thành, cùng nghi lễ “vinh quy bái tổ”.

Những cảnh đẹp, nét văn hóa và những hình ảnh bình dị của làng quê được nghệ nhân thể hiện tài tình qua những nét khắc trên gốm và được phủ những lớp men màu chồng lớp lên nhau, tạo hiệu ứng độ sâu về không gian tác phẩm - một kĩ thuật riêng có, thể hiện sự sáng tạo của nghệ nhân trên chất liệu gốm truyền thống.

so hoa de lan toa su doc dao nghe thu cong viet (2).jpg
Không chỉ kể về nghề thủ công, câu chuyện về làng cổ Bát Tràng cũng được giới thiệu nhằm thu hút du khách quốc tế.

Rạch ròi giữa thủ công và công nghiệp

Theo thống kê, Việt Nam có gần 2.800 làng nghề với 53 nhóm nghề, hội tụ khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau. Trong đó có rất nhiều sản phẩm có lịch sử phát triển hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất - 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước.

Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, thủ công mỹ nghệ được xác định là thành tố quan trọng của văn hóa và là nền tảng cho sự đổi mới, phát triển các ngành thiết kế sáng tạo và du lịch văn hóa.

Hà Nội là đầu tàu kinh tế, lại vinh dự là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO nên việc đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa càng là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, để khơi dậy được tối đa tiềm năng của làng nghề truyền thống thì cần phải phát huy giá trị của những sản phẩm truyền thống bằng việc “số hóa”.

so hoa de lan toa su doc dao nghe thu cong viet (3).jpg
Sự tách bạch của sản phẩm công nghiệp và sản phẩm thủ công được rạch ròi qua từng hình ảnh.

Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề cao vai trò tập trung phát huy thế mạnh của làng nghề truyền thống.

Tuy nhiên theo giới chuyên gia, số hóa không hẳn là động lực để làng nghề phát triển, nhưng trong thời đại công nghệ số, nếu không số hóa thì sản phẩm cũng như sự độc đáo của nghề thủ công sẽ không thể lan tỏa, ít được biết tới.

Ngoài gốm Bát Tràng được số hóa mạnh mẽ, tiếp cận hàng triệu khách hàng, thì sơn mài Hạ Thái, comple Vân Từ, tạc tượng Sơn Đồng, áo dài Trạch Xá… cũng đang trong “cuộc chiến” hội nhập, đưa sản phẩm và câu chuyện thủ công lan tỏa khắp các nền tảng mạng xã hội.

Các chuyên gia cũng lưu ý các làng nghề, khi số hóa kể câu chuyện nghề thủ công truyền thống thì không nên pha tạp công nghệ trong sản xuất sản phẩm. Sự tách bạch của sản phẩm công nghiệp và sản phẩm thủ công nên được rạch ròi, giống như ngành sản xuất thủ công ấm trà bằng gốm của Trung Quốc. Họ không sử dụng bất cứ công nghệ nào, từ việc lấy đất sét, giã, xay, ủ, cắt cho đến tạo hình…

“Bát Tràng Museum vinh dự là bảo tàng ngoài công lập đầu tiên ở Việt Nam được Google Arts & Culture lựa chọn. Chúng tôi hi vọng câu chuyện về làng gốm Bát Tràng cũng như di sản để lại là những tác phẩm độc bản cùng phong cách làm gốm độc đáo, riêng biệt của cố nghệ nhân Vũ Thắng sẽ được tiếp cận nhiều hơn và truyền cảm hứng đến những người yêu nghệ thuật và văn hóa, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới”, ông Vũ Khánh Tùng - Giám đốc Bát Tràng Museum

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu rõ gen z là gì Hiểu rõ gen z là gì