Kinh nghiệm về xây dựng văn hóa đọc trong thời đại số

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các chuyên gia vừa đưa ra một số nhận định, kiến giải về xây dựng văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số để mọi người cùng tham khảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo online để cùng nhau trao đổi ý kiến.
Các đại biểu tham dự hội thảo online để cùng nhau trao đổi ý kiến.

Vai trò của trí tuệ nhân tạo

Để hưởng ứng "Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam", Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới (EdulightenUp), Viện Nghiên cứu phát triển Quản lý giáo dục phối hợp với Công ty CP Tư vấn và Phát triển Giáo dục Toàn cầu Speed Reading và Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục Và Nghề nghiệp STP vừa tổ chức hội thảo online "Kiến tạo Văn hóa đọc ở trường học trong kỷ nguyên số".

“Người đọc trong thời đại số” là tiêu đề báo cáo do thầy Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, nguyên Chủ tịch FPT Software trao đổi tại hội thảo. Theo thầy Tiến, đọc sách giúp kiến tạo năng lực tự học suốt đời với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo và cần có cách học tập đa chiều.

Vị chuyên gia chỉ rõ, đọc sách sẽ kiến tạo năng lực học tập suốt đời. Năng lực đọc hay mở rộng hơn là năng lực xử lý thông tin sẽ đúc kết thành tri thức và hiểu biết góp phần tạo ra sự đột phá của một cá nhân xuất sắc, duy trì sự phát triển liên tục và luôn đổi mới bản thân.

Chuyên gia Hoàng Nam Tiến chia sẻ ý kiến tại hội thảo online.

Chuyên gia Hoàng Nam Tiến chia sẻ ý kiến tại hội thảo online.

Trường học, thầy cô là người kết nối (Conector) học sinh, sinh viên với gia đình, xã hội, tự nhiên và cần bắt đầu bằng việc đọc những quyển sách. Nhiệm vụ của trường học không phải là cố gắng nhồi nhét kiến thức mà là giúp người học có khả năng tự học để trở nên khác biệt. Thầy cô phải là những người làm gương cho việc đọc sách để học sinh noi theo.

Công nghệ với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi văn hóa đọc và có nhiều thách thức. Sẽ có hàng loạt ngành nghề, lao động sẽ bị AI thay thế trong tương lai, do vậy không thể chối bỏ sự xuất hiện và ảnh hưởng của AI. Tuy nhiên chúng ta cần dạy cho học sinh làm chủ trí tuệ nhân tạo, bắt AI trở thành trợ lý, là công cụ để phục vụ mục đích của mình.

Tại hội thảo online, các chuyên gia khẳng định, ngày nay trường học phải thay đổi cách học cho học sinh, từ thầy dạy trò tiếp thu sang học tập 5 chiều. Đó là: Thầy dạy truyền thống; bạn bè; người trẻ hơn; trí tuệ nhân tạo và tự học.

Về phương pháp đọc hiệu quả - một trong các trụ cột quan trọng của Văn hóa đọc đã được bà Quỳnh Chi, Giám đốc đào tạo của SpeedReading Việt Nam chia sẻ.

Một trong những nguyên nhân khiến cho học sinh, sinh viên và cả người lớn chúng ta ngại đọc sách đó là chưa có phương pháp đọc hiệu quả và điều này có thể thực hiện dễ dàng khi có được kĩ thuật đọc SpreedReading.

Đây là một phương pháp đọc nổi tiếng mà ngay cả Tổng thống Mỹ và học sinh, sinh viên nhiều quốc gia trên thế giới có thể đọc sách hiệu quả nhất. Kỹ thuật này cũng đã được đưa vào Việt Nam và được nhiều trường học, doanh nghiệp sử dụng hiệu quả.

Nhiều sáng kiến được áp dụng

Cô Dung chia sẻ về phát triển thư viện và CLB đọc sách.

Cô Dung chia sẻ về phát triển thư viện và CLB đọc sách.

Trao đổi tại hội thảo online, cô Nguyễn Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, để tổ chức tốt hoạt động thư viện cần có 3 yếu tố cốt lõi.

Trong đó, nhà quản lý phải quan tâm đến phát triển thư viện qua kế hoạch, đầu tư và tạo động lực; giáo viên, nhân viên thư viện yêu nghề, chuyên môn tốt, thường xuyên cập nhật; cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo để tổ chức tốt các hoạt động kết nối.

Cô Kim Dung cũng chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng CLB đọc sách thành công với các hoạt động thú vị như: Gieo hạt (khảo sát nhu cầu, tập huấn kĩ năng); cây văn hóa đọc (quy trình đọc, trải nghiệm đọc); nở hoa, tỏa hương (hoạt động thiện nguyện, giao lưu kết nối, bài viết, sản phẩm của học sinh…).

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Vinschool Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ tại hội thảo.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Vinschool Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ tại hội thảo.

Còn cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Vinschool Thăng Long (Hà Nội) trao đổi, đầu tiên mỗi nhà trường cần có một kim chỉ nam là: Học sinh khỏe mạnh về thể chất và tinh thần (well-being); sự tự chủ và kết quả, trở thành công dân toàn cầu; giáo viên đạt chuẩn kiểm định (CIS); phụ huynh hài lòng và môi trường học đường an toàn, bền vững.

"Văn hóa đọc sẽ hình thành năng lực tự học suốt đời cho học sinh; để làm được cần tạo môi trường, tạo thói quen đọc sách, đọc – hiểu và đọc – phản biện. Trong đó, văn hóa đọc từ gia đình là một việc rất quan trọng để hình thành văn hóa đọc ở nhà trường. Việc sử dụng dữ liệu đọc để điều chỉnh, cải tiến phát triển văn hóa đọc cũng là một kinh nghiệm hay từ nhà trường", cô Thanh Huyền chia sẻ.

Bình luận về văn hóa đọc, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban Nghiên cứu, đánh giá giáo dục (Viện KHGD Việt Nam) cho rằng, văn hóa đọc hiện nay rất khác nhau ở mỗi nhà trường, các địa phương. Nhiều nhà trường chỉ chú ý đến sách để học, ít chú ý đến các sách giúp cho học sinh phát triển toàn diện. Vì vậy các nhà trường rất cần chú ý phát triển thư viện cũng như huấn luyện phương pháp đọc hiệu quả cho giáo viên, học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ