Sở GD&ĐT Hải Phòng chấn chỉnh việc tổ chức đánh giá học sinh khối 10, khối 11

GD&TĐ - Trường THPT, trường Phổ thông nhiều cấp học không được tổ chức khảo sát chất lượng với học sinh khối 10, khối 11 sau đợt kiểm tra cuối kỳ, cuối năm.

Chấn chỉnh hoạt động thi khảo sát khối 10, khối 11 (ảnh minh hoạ).
Chấn chỉnh hoạt động thi khảo sát khối 10, khối 11 (ảnh minh hoạ).

Sở GD&ĐT Hải Phòng vừa ban hành công văn số 1572 /SGDĐT-TrH V/v tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động tổ chức kiểm tra, đánh giá với hình thức khảo sát chất lượng đối với học sinh khối 10, khối 11 sau thời điểm kiểm tra cuối kỳ, cuối năm học.

Theo đó, sau phản ánh của Báo Giáo dục và Thời đại về việc, nhiều trường THPT trên địa bàn thành phố Hải Phòng tổ chức một cuộc thi khảo sát các môn đối với học sinh lớp 10, lớp 11 ngay sau khi các em vừa làm bài thi kết thúc học kì gây nhiều băn khoăn trong dư luận.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Sở GD&ĐT đã kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh tổ chức kiểm tra, đánh giá với hình thức khảo sát chất lượng đối với học sinh khối 10, khối 11.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT đây là một hoạt động không trong quy định. Quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông đã quy định rất rõ trong Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Vì vậy, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường THPT, trường Phổ thông có nhiều cấp học không tổ chức khảo sát chất lượng, thi thử đối với học sinh khối 10, khối 11 sau thời điểm kiểm tra cuối kỳ, cuối năm học (kể cả hoạt động không thu tiền) gây áp lực, mệt mỏi cho học sinh, gây bức xúc trong phụ huynh và dư luận xã hội.

Những trường đã tự tổ chức khảo sát chất lượng, thi thử đối với học sinh khối 10, khối 11 sau thời điểm kiểm tra cuối kỳ, cuối năm học yêu cầu lãnh đạo nhà trường phải có báo cáo giải trình gửi về Sở GD&ĐT trước ngày 3 tháng 6 năm 2024.

Sở GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động giáo dục của các trường trên địa bàn thành phố.

Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT Quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT. Thông tư có hiệu lực từ ngày 5/9/2021 và thực hiện theo lộ trình triển khai chương trình GDPT 2018 đối với cấp trung học.

Thông tư được áp dụng từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6 và áp dụng tiếp nối từ năm học 2022-2023 lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 thực hiện đối với lớp 8 và lớp 11 và từ năm học 2024-2025 thực hiện đánh giá theo Thông tư này cho 2 lớp còn lại là lớp 9 và lớp 12.

Thông tư 22 yêu cầu việc đánh giá phải vì sự tiến bộ của người học. Theo đó, việc đánh giá căn cứ vào yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình GDPT; bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực, khách quan. Việc đánh giá thực hiện bằng nhiều phương pháp, hình thức, kĩ thuật và công cụ khác nhau, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì. Hoạt động này phải coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học sinh; không so sánh học sinh này với học sinh khác.

Mục đích của việc đánh giá là xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình GDPT. Hoạt động này nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học sinh điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập; cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên thông qua đó cũng có sự điều chỉnh hoạt động dạy học cho phù hợp.

Thông tư 22 quy định 2 hình thức đánh giá là bằng nhận xét và bằng điểm số. Thông tư cho phép một số một môn chỉ thực hiện đánh giá bằng nhận xét. Cụ thể, các môn: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, kết quả học tập theo môn học chỉ được đánh giá bằng nhận xét theo một trong hai mức: Đạt, Chưa đạt.

Đối với các môn học còn lại, kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét với đánh giá bằng điểm số.

Việc nhiều trường THPT tại Hải Phòng tự ý tổ chức thi khảo sát đối với học sinh khối 10, khối 11 sau khi kiểm tra, đánh giá cuối kỳ, cuối năm học là không đúng theo quy định tại Thông tư 22, không có trong Kế hoạch giáo dục năm học của nhà trường và không xin ý kiến chỉ đạo chuyên môn từ Sở GD&ĐT. Việc này gây áp lực cho học sinh, dẫn đến tình trạng lạm thu và gây hiểu lầm về việc khảo sát chất lượng làm căn cứ để học sinh đăng kí môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ