Theo đó, Sở GD&ĐT cho biết, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bến Tre nói riêng và cả nước nói chung đã xuất hiện tình trạng các nhóm tội phạm sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để lừa đảo như sử dụng mạng xã hội nhắn tin thông báo cho khách hàng biết mình trúng thưởng, sau đó yêu cầu khách hàng phải đóng phí nhận thưởng hoặc tạo các trang web giả mạo có tặng quà với giá trị lớn, yêu cầu khách hàng phải nộp phí để nhận quà.
Hoặc giả làm người của cơ quan công quyền gọi điện đến cơ quan, đến nhà để cáo buộc người trong gia đình liên quan đến một vụ mua bán ma túy, nợ cước internet hoặc tiền điện thoại… và yêu cầu phải chuyển tiền vào tài khoản cho chúng.
Trên thực tế đã có một số trường hợp cả tin, thiếu cảnh giác và mắc bẫy các đối tượng lừa đảo này.
Hiện nay tình trạng lừa đảo thông qua các giao dịch điện tử hoặc mạng xã hội xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, với những diễn biến khá phức tạp.
Trước những sự việc trên, Sở GD&ĐT yêu cầu lãnh đạo cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người học về các thủ đoạn lừa đảo thông qua mạng xã hội hay qua điện thoại liên lạc;
Không tham gia vào các trang thông tin không chính thống trên internet, làm quen, kết bạn với những người lạ để không tạo cơ hội cho các đối tượng xấu có điều kiện thực hiện các chiêu trò lừa đảo của mình.
Khi sử dụng mạng xã hội, cần bảo mật tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại… để tránh những thông tin này rơi vào tay kẻ xấu. Khi nhận được tin nhắn, thư thoại chứa đường link lạ, website không rõ nguồn gốc, tuyệt đối không được truy cập.
Với những tin nhắn, cuộc gọi nghi ngờ lừa đảo như nhờ mua thẻ cào điện thoại, chuyển tiền, thông báo tai nạn..., cần liên lạc trực tiếp với người liên quan để xác thực thông tin, tuyệt đối không làm theo yêu cầu của các đối tượng.
Khi thấy các cuộc gọi điện thoại có biểu hiện nghi vấn, cần trình báo ngay với cơ quan Công an gần nhất để xác minh, làm rõ.