Số ca mắc Covid-19 toàn cầu vượt ngưỡng 400 triệu, WHO thúc giục các nước giàu hành động

GD&TĐ - Theo thống kê của Reuters, số ca mắc Covid-19 toàn cầu đã vượt ngưỡng 400 triệu vào hôm qua (9/2) do biến thể Omicron thống trị các đợt bùng phát, đẩy hệ thống y tế ở một số quốc gia đến bờ vực quá tải.

Chương trình Covax nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng đối với việc tiêm chủng COVID-19.
Chương trình Covax nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng đối với việc tiêm chủng COVID-19.

Biến thể Omicron chiếm gần như tất cả các ca mắc hàng ngày. Theo phân tích của Reuters, tuy số ca mắc Covid-19 bắt đầu chững lại ở một số quốc gia, mỗi ngày thế giới vẫn có hơn 2 triệu ca mới. Số ca tử vong tuy có xu hướng chậm lại nhưng cũng tăng 70% trong 5 tuần qua dựa trên mức trung bình của 7 ngày.

Trong khi bằng chứng sơ bộ từ một số quốc gia cho thấy Omicron gây bệnh nhẹ hơn so với các biến thể trước đó nhưng một số lượng lớn các ca mắc có thể gây quá tải cho hệ thống y tế trên toàn cầu.

Phải mất hơn 1 tháng để số ca mắc Covid tăng từ 300 triệu lên 400 triệu, nhưng trước đó cần tới 5 tháng để số ca mắc tăng từ 200 triệu lên 300 triệu – theo tổng kết của Reuters. Đại dịch cũng đã khiến hơn 6 triệu người trên thế giới phải ra đi mãi mãi.

Theo phân tích của Reuters, 5 quốc gia hàng đầu báo cáo nhiều ca mắc Covid-19 nhất trong 7 ngày là Mỹ, Pháp, Đức, Nga và Brazil, chiếm khoảng 37% tổng số ca mắc được báo cáo trên toàn thế giới.

Mỹ dẫn đầu thế giới về số ca mắc mới mỗi ngày với 1 triệu ca mới sau mỗi 3 ngày. Thứ 6 tuần trước, Mỹ có số ca tử vong vượt 900.000 liên quan tới Covid-19.

Pháp, số ca mắc mới trung bình 7 ngày đạt hơn 210.000 ca/ ngày, cứ sau 5 ngày lại có thêm khoảng 1 triệu ca nhiễm mới. Tổng cộng số ca mắc ở Pháp kể từ khi đại dịch bắt đầu là 20 triệu, tính đến thứ 5 tuần trước.

Khoảng một nửa số ca mắc mới được báo cáo trên toàn thế giới là từ các quốc gia châu Âu, với 21 quốc gia vẫn đang có số ca mắc ở mức cao của họ. Khu vực này đã báo cáo hơn 131 triệu ca mắc và hơn 2 triệu ca tử vong liên quan tới Covid kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Mặc dù châu Âu báo cáo một nửa triệu ca mắc hầu như mỗi ngày, một số quốc gia đang dần dỡ bỏ các hạn chế khi dịch bùng phát tại địa phương dịu đi. Tây Ban Nha đã loại bỏ yêu cầu mọi người phải đeo khẩu trang ở ngoài trời, mở rộng phạm vi nới lỏng các hạn chế khi dịch bệnh bớt căng thẳng. Hôm đầu tuần, Hy Lạp bắt đầu cho phép khách du lịch có giấy chứng nhận tiêm chủng của châu Âu nhập cảnh vào nước này mà không cần có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Thứ 6 tuần trước, số người chết do Covid-19 ở Ấn Độ vượt qua 500.000 người – mức mà nhiều chuyên gia y tế cho rằng Ấn Độ đã đạt được vào năm ngoái nhưng bị ảnh hưởng bởi các cuộc điều tra không chính xác. Ước tính có khoảng 3 triệu người đã chết vì Covid-19 tại quốc gia Nam Á này tính đến giữa năm 2021 – theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science dựa trên 3 cơ sở dữ liệu khác nhau.

Theo số liệu từ Our World Data, khoảng 62% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19, trong khi đó tỷ lệ này ở các nước có thu nhập thấp chỉ là 11%.

Hôm qua (9/2), WHO kêu gọi các quốc gia giàu có góp 16 tỷ USD cho kế hoạch của tổ chức này nhằm khiến Covid-19 không còn là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu trong năm nay. Số tiền này sẽ dùng để mua sắm và phân phối các công cụ để đối phó với đại dịch, cụ thể là vắc xin, xét nghiệm, các phương pháp điều trị và đồ bảo vệ cá nhân.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.