Theo trang IEEE Spectrum, công nghệ chống trộm mới là sản phẩm sáng tạo của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Nhà vua Abdullah (KAUST) ở Arập Xêút. Khi được kích hoạt, công nghệ này sẽ thu thập năng lượng từ pin điện thoại, khiến nó giãn nở gấp 7 lần kích cỡ ban đầu và phát nổ trong vòng 10 giây.
Bộ phận chống trộm cấu tạo gồm các loại cảm biến khác nhau (cảm biến GPS, cảm biến áp lực, cảm biến ánh sáng), các điện cực cấp nhiệt cũng như vi xử lý được chế tạo từ polymer và silicon.
Các thí nghiệm cho thấy, nếu điện thoại gài bộ phận chống trộm bị di dời xa điểm ban đầu hơn 50 mét, một cảm biến GPS sẽ kích hoạt cơ chế tự hủy. Trong trường hợp thiết bị một chiếc đèn bàn rọi chiếu, cảm biến ánh sáng tích hợp bên trong cũng có thể kích hoạt chế độ tự hủy của chiếc điện thoại đó.
Một khi chế độ tự hủy được kích hoạt, bộ phận chống trộm sẽ hút năng lượng từ pin máy. Khi đạt đến mức nhiệt độ hơn 80 °C, nó sẽ giãn nở không ngừng cho tới lúc phát nổ.
Nhóm nghiên cứu phát hiện, khi thu thập được khoảng 500 - 600 milliwatt điện, các điện cực cấp nhiệt sẽ giãn nở và phá hủy vi xử lý trong vòng 10 - 15 giây. Song, thử nghiệm cho thấy, cơ chế tự phá hủy vẫn được kích hoạt chỉ trong vòng hơn 1 phút khi bộ phận chống trộm "hút" được khoảng 300 milliwatt điện từ pin điện thoại.
Nhóm sáng chế cho biết, bộ phận chống trộm nói trên phát huy hiệu quả trong nhiều trường hợp khác nhau, chẳng hạn như khi một thiết bị bí mật bị lấy trộm khỏi hộp và cho tiếp xúc với ánh sáng, khi thiết bị kẻ trộm cố tình bật mở lớp vỏ hay khi chủ nhân muốn kích hoạt nó từ xa thông qua một ứng dụng smartphone.
Họ ước tính, giá thành của sản phẩm này chỉ khoảng 15 USD. Các đối tượng đầu tiên muốn sử dụng sản phẩm nhiều khả năng sẽ là những cá nhân, tổ chức rất cần bảo vệ dữ liệu như các cơ quan tình báo, doanh nghiệp, ngân hàng, quỹ đầu tư, lực lượng an ninh.