Sinh viên y khoa khó tiếp cận bệnh án

GD&TĐ - Số lượng sinh viên y khoa tăng trong vài năm gần đây dẫn đến các cơ sở thực hành quá tải. Nên sinh viên khó tiếp cận bệnh án.

Sinh viên Khoa Y - ĐHQG TPHCM học tại phòng Kỹ năng y khoa. Ảnh: Khoa Y - ĐHQG TPHCM
Sinh viên Khoa Y - ĐHQG TPHCM học tại phòng Kỹ năng y khoa. Ảnh: Khoa Y - ĐHQG TPHCM

Thiếu nhân lực hướng dẫn

Bùi Văn Huy – sinh viên năm cuối Trường ĐH Y Dược TPHCM cho biết để có đủ thời gian thực hành tại các bệnh viện, nhóm của Huy phải đi thật sớm và tranh thủ giờ trưa, tối. “Vào giờ hành chính, các cơ sở thực hành như bệnh viện rất đông bệnh nhân. Đa phần các bệnh viện đều quá tải, bác sĩ dồn sức để khám chữa bệnh. Ban ngày, chúng em đi theo quan sát bác sĩ khám, trực tiếp hỏi bệnh bệnh nhân. Vào những giờ nghỉ trưa, buổi tối, chúng em dành để tiếp cận hồ sơ bệnh án”, Huy cho biết.

Nhóm thực hành lâm sàng của Huy chọn “phương án” ngoài giờ hành chính vì tại bệnh viện đang có rất nhiều nhóm sinh viên của các trường khác nhau. Thậm chí, có khi chỉ 1 bệnh nhân nhưng 10 sinh viên đến khám. Số lượng sinh viên thực hành lâm sàng tại các bệnh viện nhiều đến mức một phòng 18 bệnh nhân nhưng có tới 82 sinh viên thực tập.

Bác sĩ H (đề nghị giấu tên), công tác tại Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) cho biết với khối lượng công việc mỗi ngày, bác sĩ đã làm việc khá nhiều nhưng phải kiêm thêm hướng dẫn, giảng dạy sinh viên y khoa. “Tôi có cảm giác một số trường đang đem con bỏ chợ, giao phó hoàn toàn cho bác sĩ ở bệnh viện. Trong khi bác sĩ đang gánh rất nhiều việc, lại phải làm thêm những nhiệm vụ ngoài công tác điều trị. Việc đào tạo cho sinh viên ngành y lẽ ra phải do chính giảng viên của trường đảm nhận vì có trong quy chế đào tạo”, bác sĩ H cho biết.

Theo chia sẻ của GS.TS Lê Minh Trí - Phó Trưởng khoa Y, ĐHQG TPHCM, một trong những lý do các trường thiếu giảng viên là do mức thu nhập khi hành nghề tại các bệnh viện cao hơn nhiều so với đi dạy, nên ít có bác sĩ chọn công việc dạy thực hành cho sinh viên.

Trong khi số sinh viên y khoa tăng quá đông thì số giảng viên lại không đủ để đáp ứng. “Các trường y khoa đang tuyển quá nhiều sinh viên, trong khi đó lại chưa bổ sung đủ giảng viên. Thậm chí, nhiều trường y khoa sử dụng nhiều giảng viên thỉnh giảng. Điều này dẫn đến tình trạng, khi sinh viên đi thực hành, các em không có người tại cơ sở y tế hướng dẫn, quản lý”, bác sĩ H phân tích.

Không chỉ ngành y đa khoa, với sinh viên ngành dược, việc kiếm chỗ thực hành cũng rất khó khăn vì các công ty dược chủ yếu của tư nhân. Việc liên hệ để sinh viên vào thực hành phụ thuộc chủ yếu vào mối quan hệ cá nhân với các cơ sở.

Sinh viên khoa Y – ĐHQG TPHCM học tại phòng Mô phỏng giải phẫu học. Ảnh: Khoa Y – ĐHQG TPHCM.
Sinh viên khoa Y – ĐHQG TPHCM học tại phòng Mô phỏng giải phẫu học. Ảnh: Khoa Y – ĐHQG TPHCM.

Tăng cường hợp tác

Tình trạng sinh viên y khoa gặp khó khăn khi đi thực hành trở thành vấn đề “nóng”. Theo GS.TS.BS Đặng Vạn Phước, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TPHCM, có sinh viên năm 6 mà vẫn không được đụng đến bệnh án, viết bệnh án. Từ đó, ông lo ngại vấn đề thực hành, tay nghề của sinh viên y khoa. “Hổng kiến thức trong ngành y khó bù đắp, nên trách nhiệm của người dạy, người đào tạo rất quan trọng...

Nghề y vẫn là nghề học nghề, nên việc đào tạo thực hành cực kỳ quan trọng. Chúng ta đang quá tải vấn đề thực hành, quá nhiều sinh viên trong khi cơ sở thực hành không có”, GS.TS Đặng Vạn Phước nói.

Sinh viên Bùi Văn Huy chia sẻ: “Suốt 6 năm học y, em đã đi thực hành ở hàng chục bệnh viện, thấy rằng sinh viên y khoa nếu chăm chỉ, cẩn thận vẫn được cho ghi bệnh án. Sinh viên nào làm chậm, ghi ẩu, làm ảnh hưởng công việc của bệnh viện rất khó được cho làm việc này. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là phải có giảng viên hoặc bác sĩ xem lại bệnh án, góp ý cho sinh viên thì ghi bệnh án mới có hiệu quả”.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 - cũng cho rằng sinh viên ngành y phải được thực hành nhiều và có người hướng dẫn ở cơ sở y tế. “Sinh viên y khoa phải được tiếp cận với hồ sơ bệnh án để được rèn luyện. Sinh viên cũng phải tìm cách thực hành nhiều, khám, đọc kết quả xét nghiệm chứ không thể học chay. Thông thường theo truyền thống ngành y thì thế hệ đàn anh đi trước rất nhiệt tình hỗ trợ đàn em y khoa. Tuy nhiên, giữa trường và bệnh viện cũng cần nói chuyện với nhau, ký kết hợp tác để sinh viên được thực hành một cách tốt nhất”, bác sĩ Khanh cho biết.

Hiện nay, một số trường đại học y khoa cũng có cơ sở của riêng mình để sinh viên được thực hành thăm khám lâm sàng. Các trường đào tạo ngành y cũng công bố các chương trình hợp tác thực hành, đào tạo. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, khi số lượng sinh viên y khoa “bùng nổ”, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa trường đại học và bệnh viện.

Ngoài ra, theo GS.TS Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Y Dược TPHCM, để giảm bớt lượng sinh viên, cần phân luồng thực hành, thực tập. Chẳng hạn, ở trường có đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh thì nên cho sinh viên về thực tập tại các bệnh viện địa phương vì sẽ giúp các em hình dung rõ hơn công việc sau này đồng thời cũng giảm tải cho bệnh viện ở TPHCM. Bệnh viện và trường học cũng nên ngồi lại với nhau để phân bổ lượng sinh viên cho phù hợp.

Theo thống kê của Sở Y tế, TPHCM hiện có 117 bệnh viện, gồm 55 bệnh viện công lập, 59 bệnh viện tư nhân và 3 bệnh viện thuộc bộ ngành. Các trường đại học đào tạo khối ngành y dược có ít nhất 8 trường. Năm 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành bậc đại học của Trường ĐH Y Dược TPHCM là 2.415 sinh viên, của ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là 1.366. Sinh viên ngành y sẽ bắt đầu thực hành, thực tập thông thường từ năm 2 đến năm 6 tại các cơ sở y tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ