PGS.TS Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam – cho hay, năm 2022, Học viện có nhiều hoạt động liên quan đến tài chính, tự do tài chính và tiết kiệm. Trong năm nay, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức hơn 20 hoạt động, diễn đàn về tài chính, tiết kiệm và tự do tài chính, với hàng nghìn sinh viên tham gia. Thông qua hoạt động này, giúp sinh viên nhận thức tốt hơn về tiết kiệm quản lý tài chính và tự do tài chính; hướng tới giáo dục toàn diện.
Theo PGS.TS Trần Quang Tiến, mỗi sinh viên cần thực hiện chi tiêu, tiết kiệm cho bản thân, nhất là trong học tập, cuộc sống. Tiết kiệm là điều bắt buộc với sinh viên. Nó không chỉ đơn thuần là đức tính, hành động tốt mà tiết kiệm còn mang lại rất nhiều lợi ích cho mỗi cá nhân; đặc biệt là các bạn sinh viên - lứa tuổi bắt đầu trưởng thành.
Đại biểu, cán bộ, giảng viên và sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam hào hứng 'khởi động' trước khi bước vào Tọa đàm. |
Trò chuyện với sinh viên, Shark Đỗ Liên – Chủ tịch Tập đoàn AquOne, Lãnh sự danh dự cộng hòa Nam Phi, nhà đầu tư tài chính trong chương trình thương vụ bạc tỉ mùa 3 và 4 – nhấn mạnh, thầy cô chỉ dạy các bạn những điều căn bản, không ai có thể thay thế các bạn hoặc làm thay các bạn. Quyền lựa chọn ở trong tay mỗi người. “Đừng bao giờ tự hạ thấp mình: Tôi là phái yếu nên tôi chỉ làm được như vậy thôi” - Shark Đỗ Liên nhắn nhủ.
Theo Shark Đỗ Liên, chúng ta là độc bản duy nhất. Chúng ta không giống ai, có sắc thái riêng và đừng bị sao chép hoặc đám đông quyết định vận mệnh của mình. Các bạn chưa làm ra tiền nhưng rồi sẽ làm ra.
“Tuy nhiên, thời gian ngồi đây không bao giờ lấy lại được. Vì thế, các em phải biết tiết kiệm thời gian. Từ thời sinh viên, tôi đã phải nỗ lực rất nhiều và phải tiết kiệm cả thời gian, tiền bạc” - Shark Đỗ Liên chia sẻ.
Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam thích thú với nhiều hoạt động khi tham gia chương trình Tọa đàm. |
Trả lời câu hỏi của sinh viên, làm thế nào để chi tiêu tài chính hợp lý, Shark Đỗ Liên nhấn mạnh: tất cả các việc, kể cả tài chính, học tập đều phải có kế hoạch, không thể theo kiểu “thầy bói xem voi”. Phải biết được mình đang ở đâu, muốn gì và phải tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch mà mình đã đề ra, trong đó có vấn đề chi tiêu.
“Giả sử, mình có 5 triệu thì chỉ nên tiêu 2,5 triệu, số còn lại tiết kiệm để dự phòng và tích lũy” - Shark Đỗ Liên tư vấn và nhấn mạnh: Càng có kế hoạch chi tiết, rõ ràng thì càng tốt, càng làm chủ được cuộc sống và không bị chi phối bởi người khác.
Nguyễn Khánh Linh – sinh viên năm thứ nhất, Khoa Giới và phát triển cho biết, đã lĩnh hội được nhiều kiến thức bổ ích từ chương trình Tọa đàm. |
Tham dự Tọa đàm, Nguyễn Khánh Linh – sinh viên năm thứ nhất, Khoa Giới và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã lĩnh hội được nhiều kiến thức bổ ích. Trong đó, có việc xây dựng kế hoạch chi tiêu cho mình.
Khánh Linh cho biết, sau những tư vấn của các chuyên gia trong buổi Tọa đàm này, em sẽ xây dựng kế hoạch chi tiêu cho mình. “Trước mắt, em sẽ dự định đi làm thêm. Em sẽ dành 80% số tiền từ làm thêm để mua 1 một chiếc xe máy khoảng 16-17 triệu đồng. Số tiền còn lại, em sẽ tiết kiệm và dành cho chi tiêu khác như: xăng xe, ăn uống hàng ngày…” – Khánh Linh chia sẻ.