Theo đó, Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ chính thức được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục của Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.
Đây là bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục của Việt Nam theo hướng tiếp cận Bộ tiêu chuẩn của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN)AUN-QA, tương thích với bộ tiêu chuẩn của Mỹ và Châu Âu, đã được các nước ASEAN chấp nhận để sử dụng thống nhất trong các trường Đại học thuộc khu vực ASEAN.
Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của AUN-QA gồm 25 tiêu chuẩn với 111 tiêu chí. Các tiêu chuẩn được chia thành 4 nhóm, bao gồm: đảm bảo chất lượng về chiến lược; đảm bảo chất lượng về hệ thống; đảm bảo chất lượng về chức năng hoạt động (đào tạo, nghiên cứu khoa học, kết nối - phục vụ cộng đồng); và kết quả hoạt động của Nhà trường.
Được biết, hiện nay có gần 30 cơ sở giáo dục đại học trong tổng số 235 trường đại học của Việt Nam đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chí đánh giá mới này.
Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục cho Học viện Phụ nữ Việt Nam là là dấu mốc đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình vượt bậc và khẳng định vị thế mới của Học viện trong hệ thống giáo dục đại học của cả nước.
PGS. TS. Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các Trường ĐH-CĐ Việt Nam) khẳng định, sau thời gian tiến hành khảo sát và thực hiện quy trình các bước, Học viện Phụ nữ Việt Nam hoàn toàn xứng đáng đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.
Theo PGS. TS. Nguyễn Phương Nga, để đạt được tiêu chuẩn kiểm định chất lượng là sự phấn đấu không mệt mỏi của tập thể và từng cá nhân, nhưng để giữ vững và tiếp tục phát huy, bứt phá kết quả này đòi hỏi Học viện Phụ nữ Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa.
Sau 2,5 năm Học viện sẽ phải báo cáo với Hội đồng kiểm định, với cơ quan chủ quan và Bộ GD&ĐT về kết quả khắc phục những tồn tại mà đoàn đánh giá ngoài đã chỉ ra.
Gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tập thể thầy – trò Học viện Phụ nữ Việt Nam, ông Phạm Quốc Khánh – Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) ghi nhận, báo cáo của Học viện đã nêu rõ 24 kế hoạch, 4 điểm cần thực hiện cải tiến trong tương lai.
Vì thế, sau kết quả kiểm định chất lượng giáo dục lần này, Học viện cần tiến hành kiểm định chương trình đào tạo theo chu trình và yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Hiện nay, Học viện Phụ nữ Việt Nam có 9 ngành đào tạo hệ đại học chính quy. Thời gian tới, Học viện cần phối hợp với các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục để tiến hành kiểm định các chương trình đào tạo này.