Sinh viên Trung Quốc thích làm công chức hơn học thạc sĩ

GD&TĐ - Số lượng ứng viên tham gia kỳ thi tuyển sinh cao học tại Trung Quốc đang giảm, cho thấy người trẻ không còn đổ xô học thạc sĩ.

Giới trẻ Trung Quốc ôn luyện cho kỳ thi tuyển sinh cao học năm 2021.
Giới trẻ Trung Quốc ôn luyện cho kỳ thi tuyển sinh cao học năm 2021.

Là sinh viên năm hai tại một trường đại học mức trung ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, Mindy Li đã từ bỏ ý định học cao học sau khi lấy bằng cử nhân, bất chấp sự thúc giục của gia đình. Học chuyên ngành Văn học Trung Quốc, vốn ít có cơ hội việc làm ở doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm chạp, Li quyết định trở thành công chức nhà nước.

Cô cho biết: “Hiện nay quá nhiều người có bằng thạc sĩ nên nó không còn giá trị như trước. Tôi không muốn mất thêm 3 năm ở trường xong vẫn phải tham gia kỳ thi công chức”.

Li giống như nhiều người trẻ khác đang quay lưng lại với kỳ thi tuyển sinh cao học, được ví có mức độ khắc nghiệt không thua kém kỳ thi tuyển sinh đại học gaokao bởi bằng cấp cao ngày càng giảm sức hút. Hàng năm, vào cuối tháng 12, hàng triệu người trẻ Trung Quốc tham gia kỳ thi tuyển sinh cao học với mong muốn tìm kiếm công việc tốt hơn.

Chuyên gia nghiên cứu giáo dục Chen Zhiwen cho biết, số lượng ứng viên sau đại học giảm cho thấy giới trẻ Trung Quốc đã “lý trí hơn” khi họ nhận ra bằng cấp sau đại học không thể đảm bảo công việc tốt hơn.

Lấy ví dụ về những trường hợp người có bằng thạc sĩ được thuê làm quản lý ký túc xá hay phân loại rác, ông Chen lưu ý đây là những trường hợp hi hữu nhưng có thể khiến mọi người hạ thấp kỳ vọng tìm việc làm với tấm bằng sau đại học. Chưa kể học phí sau đại học cao gấp nhiều lần học phí đại học.

Tuy nhiên trong 10 năm trở lại đây, nhất là sau dịch Covid-19, ngày càng nhiều người trẻ chuyển hướng từ học cao học sang tìm việc trong các cơ quan nhà nước để đảm bảo sự ổn định lâu dài. Ước tính, năm 2023, 4,38 triệu thí sinh tham gia kỳ thi sau đại học, giảm 7,6% so với năm ngoái.

Trong khi đó, 2,25 triệu người tham gia kỳ thi công chức quốc gia vào tháng 11 để tranh suất cho 39.600 vị trí tuyển dụng trong các cơ quan chính phủ trung ương và cơ quan trực thuộc các tổ chức nhà nước. Con số này được các chuyên gia thống kê đánh giá là cao kỷ lục trong 10 năm trở lại đây. Ước tính, tỷ lệ chọi là 1:57.

Anh Li Feng, 26 tuổi, giáo viên ở tỉnh Sơn Đông, đã tham gia kỳ thi công chức 5 năm liên tiếp từ năm 2018 và vừa kết thúc kỳ thi công chức vào tháng trước. Anh chia sẻ: “Việc vượt qua kỳ thi công chức giống như chơi một trò chơi không thể giành chiến thắng. Điều này càng khó khăn hơn khi tình hình kinh tế thay đổi”.

Tương tự, ông Alfred Wu, Giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), nhận định, thời điểm hiện nay là khó khăn cho người trẻ Trung Quốc để bắt đầu sự nghiệp. Họ cho rằng những cơ hội do sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng không còn thuộc về thế hệ này nữa.

Còn ông Chu Zhaohui, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc nhận định, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học hàng năm ngày càng tăng và đạt kỷ lục trong năm nay không đồng nghĩa Trung Quốc đang tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Hơn nữa, bằng cấp cao là chưa đủ. Điều này cho thấy độ vênh giữa đầu ra của hệ thống giáo dục và những gì thị trường cần.

Ông Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21, lưu ý, dù số lượng ứng viên sau đại học giảm nhưng con số này vẫn ở mức tương đối cao. Do đó, Trung Quốc cần khẩn trương chuyển đổi từ xã hội định hướng bằng cấp sang xã hội dựa trên kỹ năng.

Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.