Chi phí tốn kém hơn
Trở thành sinh viên đại học công lập được xem là một ưu đãi trong thế hệ trước. Không thể quên được những ngày sống trong ký túc xá, vô tư tắm chung vòi sen, sống chung trong căn hộ thuê mướn giá rẻ và những buổi tiệc tùng luôn kết thúc trước nửa đêm. Lúc đó, chính quyền địa phương và chính phủ chịu hết mọi chi phí học tập và hầu như sinh viên sẽ có việc làm khi ra trường với khoản nợ đại học rất ít. Vào thập niên 1960, chỉ có 4% học sinh tốt nghiệp trung học tại Anh vào đại học.
Thập niên 1970, con số này tăng lên 14%. Hiện nay, có 40% học sinh hoàn tất bậc trung học được lên tiếp đại học. Nhưng chi phí học tập và sinh hoạt đã tăng đến chóng mặt. Những khoản trợ cấp cũng không còn nhiều. Bình quân, một sinh viên khi ra trường mang theo món nợ 40.000 bảng Anh và họ phải bồi hoàn lại khi đã có công ăn việc làm. Nhưng kiếm được một việc làm tốt, lương cao là chuyện không đơn giản.
Nhiều bậc cha mẹ khi nhìn trở lại quá khứ đại học của họ đã rất kinh ngạc trước quan niệm sống rất khác của con cái trong thời đại công nghệ thông tin và thế giới phẳng. Chúng không còn ưu tiên cho việc học như trước mà xem trọng cả những nhu cầu xa xỉ trong cuộc sống cá nhân như truyền hình phẳng, smartphone cao cấp, xe hơi, phòng tắm riêng tiện nghi và cả sofa bọc da! Những bữa tiệc tùng cũng tốn kém hơn, được tổ chức cả ở các club bên ngoài làng đại học và không giới hạn giờ giấc. Nhiều sinh viên hiện nay xuất thân từ gia đình giàu có cũng thích thuê những căn hộ sang trọng, đắt tiền và đầy đủ tiện nghi giống như lúc còn sống trong gia đình.
Tất cả đã đẩy phí tổn học tập và sinh hoạt lên cao mà hệ quả là nợ nần như chúa chổm so với thế hệ trước. Ngoài ra, có nhiều thứ để vui chơi giải trí cũng có nghĩa dễ rơi vào cạm bẫy khó lường, đặc biệt là ma túy. Sinh viên hiện nay sau khi tốt nghiệp bị áp lực bởi nợ nần đã phải làm việc chật vật hơn để có thể trang trải những “gánh nặng của quá khứ”. Họ cần việc làm hơn trước (ngay từ lúc đi học đã chịu áp lực làm thêm) và bị cạnh tranh gay gắt hơn trong thị trường “việc ít người đông”. Nợ nần lảng vảng trên đầu nhiều người.
Có tinh thần độc lập hơn
Tinh thần độc lập của thế hệ sinh viên hiện nay cao hơn thế hệ cha mẹ vì nhiều gia đình không dư tiền để hỗ trợ con cái sau khi ra trường. Muốn độc lập thì phải xây dựng tốt các mối quan hệ, phải cập nhật thường xuyên các kỹ năng sống và nhất là phải biết cân bằng chi tiêu. Việc các sinh viên tốt nghiệp thuê một căn hộ để chia sẻ với nhau không gian sống và làm việc cũng là xu hướng để giảm áp lực tài chính.
Đa số sinh viên mới tốt nghiệp hiện nay không còn kiêu hãnh về mảnh bằng của mình như cha mẹ họ mà sẵn sàng làm bất cứ công việc gì miễn là có tiền, kể cả chạy Uber và bán hàng online. “Nghi thức vượt qua” hay “lễ nhập môn” vẫn được duy trì nhưng không còn trang trọng như trước mà nghiêng về giải trí. Một bậc cha mẹ tốt nghiệp khoa kinh tế tại Đại học Newcastle Polytechnic (nay là đại học Northumbria University) và nhận được việc làm tại Công ty Ford Motor sau một thời gian tập sự cho biết: “Đi làm việc nhưng tôi vẫn còn đủ thời gian để tham gia các hoạt động khác. Nhưng nay thế hệ con cái tôi không thể làm được như thế vì chúng phải bỏ rất nhiều thời gian cho công việc nên không còn thời gian rảnh rỗi”.
Nhà khoa học Andrew Jones đang làm việc tại thị trấn Chester nói: “Tôi theo học tại ĐH Bristol từ 1982 - 1988 và lấy bằng Cử nhân rồi Tiến sĩ. Khi ra trường tôi vẫn còn thời gian tham gia các câu lạc bộ thể thao, âm nhạc và cả tôn giáo. Bristol là đại học lý tưởng của sinh viên vào thời điểm đó, chất lượng giảng dạy tốt và sinh viên đến từ nhiều nơi trên khắp nước Anh. Vợ tôi cũng học ở đây”. Con gái của Jones học tiếng Anh tại Đại học Oxford và con trai học hóa. “Chúng bị áp lực làm việc nhiều hơn thế hệ tôi, lương cao hơn nhưng chi phí cũng đắt đỏ hơn và không còn thời gian để tham gia các câu lạc bộ. Tại ký túc xá Oxford, tiện nghi sinh hoạt tốt hơn thời đại chúng tôi. Có nhiều khoản tài trợ từ các nhà hảo tâm và học bổng nhưng không đủ vì số sinh viên tăng. Kết quả là khi tốt nghiệp nhiều sinh viên mang một khoản nợ lớn và phải vất vả tìm một công việc lương cao để có thể trả lại chúng. Rõ ràng, áp lực tài chính và cạnh tranh việc làm lương cao lớn hơn nhiều so với thế hệ trước” - ông nhận định.
Áp lực lương cao lớn hơn
Một phụ huynh khác tên Gill Grinyer, học đại học từ 1973 - 1976 tại thành phố Bristol cũng đồng ý là sinh viên hiện nay có môi trường sống và phương tiện học tập tốt hơn, có nhiều ngành học hơn để chọn lựa nhưng áp lực tài chính cũng nặng nề hơn và khi ra trường cũng khó kiếm việc làm tốt hơn. “Phải làm mọi cách kiếm được việc làm là ưu tiên của thế hệ sinh viên hiện nay khi chính phủ và chính quyền không còn khả năng trợ cấp như trước đối trong khi sĩ số sinh viên ngày càng đông và nhiều công việc truyền thống không còn nữa” - Grinyer nói.
Ông Andrew Gray, nhà sáng lập kiêm giám đốc Công ty Conscious Solutions ở thành phố Somerset tốt nghiệp kỹ thuật tại Đại học Cambridge và có ba con học tại Birmingham, Durham và Edinburgh nhận định: “Riêng về tài chính, sinh viên hiện nay ra trường mang theo món nợ lớn hơn thế hệ tôi dù chúng năng động và có tinh thần độc lập, tự do hơn trước. Cơ hội cho những quan hệ mới thì nhiều nhưng do áp lực kiếm tiền quá lớn nên nhiều em không tận dụng được các cơ hội này. Ngay cả áp lực lập gia đình cũng không còn như thế hệ chúng tôi”.
Còn bà Fiona Ward, tốt nghiệp khoa học xã hội tại Lanchester Polytechnic và thạc sĩ tài chính công tại Brunel University hiện là tư vấn tại Công ty Barnardo’s Training and Learning Consultancy ở thành phố Chester than phiền: “Thế hệ hiện nay phải dành quá nhiều thời gian cho việc học chính và học thêm. Hai con trai tôi đang học Hóa học tại Sheffield và Liverpool phải học thêm 20-25 giờ/tuần trong thư viện, gấp đôi tôi lúc trước. Vì thế chúng không còn thời gian cho vui chơi giải trí. Tuy nhiên, phải công nhận là thế hệ sinh viên hiện nay có tinh thần độc lập cao hơn thế hệ chúng tôi. Chúng có thể mua bất cứ gì chúng muốn nếu kiếm được một công việc lương cao và đã trả hết nợ đại học”.