Sinh viên 'tất bật' làm thêm dịp cuối năm

GD&TĐ - Những tháng cuối năm được xem là thời điểm “vàng” của người lao động muốn tìm và đổi việc do nhu cầu việc làm tăng cao.

Mai Thu Trang (ngoài cùng bên phải) bận rộn với các “show” diễn dịp cuối năm. Ảnh: NVCC
Mai Thu Trang (ngoài cùng bên phải) bận rộn với các “show” diễn dịp cuối năm. Ảnh: NVCC

Không những thế, đây còn là cơ hội để nhiều sinh viên từ các trường cao đẳng, đại học đi làm bán thời gian để tăng thêm thu nhập.

Nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên

Càng về cuối năm - thời điểm có nhiều dịp lễ lớn trong năm như Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, thị trường lao động càng có xu hướng “nhộn nhịp” và đa dạng.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, bạn Mai Thu Trang (sinh viên năm cuối, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) cho biết, để có thêm thu nhập và kinh nghiệm, em đã thành lập một nhóm chuyên biểu diễn nghệ thuật tại các sự kiện.

Mỗi năm vào thời điểm cuối năm, Thu Trang gần như kín lịch làm thêm cả tuần. Cô bạn cho biết, đây là dịp các doanh nghiệp tổ chức nhiều sự kiện lớn như hội nghị tri ân khách hàng, các chương trình tổng kết các hoạt động của đơn vị cũng như gặp gỡ giao lưu, tiệc tổng kết cuối năm,…

“Trong tất cả các chương trình đó, văn nghệ là một phần không thể thiếu. Ngoài những tiết mục “cây nhà lá vườn” thì đối với những chương trình có quy mô lớn, hầu hết ban tổ chức sẽ mời các nhóm nhảy, múa và hát để thêm phần chuyên nghiệp và sôi động. Nếu thuê những ca sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp thì chi phí sẽ cao hơn.

Còn nhóm của chúng mình vẫn đang là sinh viên nên cát-xê cũng có phần hợp lý hơn nhờ vậy dịp này chúng mình khá ‘đắt’ show. Có hôm vừa biểu diễn xong tại Hà Đông, cả nhóm lại vội vã thu dọn đồ đạc nhanh chóng qua Long Biên để kịp giờ hẹn. Có ngày chạy 3 - 4 sự kiện là bình thường”, Thu Trang hào hứng chia sẻ.

Tương tự, Đỗ Thị Ánh Tuyết (sinh viên năm hai, Trường Đại học Thuỷ Lợi) cũng tất bật với công việc dọn dẹp nhà theo giờ. Cuối năm, nhiều gia đình có nhu cầu dọn dẹp, tổng vệ sinh nhà nên đây cũng là mùa cao trào tuyển dụng nhân sự của các công ty cung cấp dịch vụ vệ sinh nhà. Ánh Tuyết cho biết, hiện đã đăng ký làm việc 4 giờ đồng hồ/ngày và nhận mức lương 6 triệu đồng/tháng.

“Kỳ này, em chỉ học buổi sáng thôi nên thời gian rảnh còn khá nhiều. Đăng ký như vậy thì mỗi ngày em đến dọn dẹp khoảng 2 nhà. Công việc với em cũng khá đơn giản, chỉ có lau dọn nhà cửa, giặt giũ,…

Mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng đối với nhiều người có lẽ không lớn, nhưng với em thì đây là học phí của cả một kỳ học. Trước đây em có làm nhân viên bán quần áo nhưng lương họ trả ‘bèo bọt’ lắm, lại không được chủ động thời gian nên em tính sẽ chuyển qua công việc làm thêm này”, Ánh Tuyết cho biết.

sinh-vien-tat-bat-lam-them-dip-cuoi-nam.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Tăng trải nghiệm, tăng thu nhập

Bận rộn là vậy, nhưng các bạn sinh viên vẫn rất hào hứng với cơ hội kiếm tiền chỉ có một lần trong năm này. Mai Thu Trang cho biết, do vẫn còn là sinh viên, công việc mang tính chất tự do nên mức thu nhập bình thường cũng không ổn định. Tuy nhiên, vào dịp cận Tết này thì mức thu nhập lại tương đối cao.

“Thông thường, cát-xê cho mỗi lần biểu diễn của cả nhóm thường rơi vào khoảng 800.000 đồng. Dịp cuối năm thì thường chúng mình sẽ lấy từ 1.000.000 - 1.200.000 đồng. Tính ra, mỗi thành viên nhận tối thiểu 300.000 đồng/lần biểu diễn. Nếu chăm chỉ tìm kiếm và chạy các sự kiện thì mỗi cá nhân thu nhập có thể lên tới tiền triệu mỗi ngày”, Thu Trang tiết lộ.

Đứng ở góc độ người sử dụng lao động, chị Nguyễn Thị Như Quỳnh - hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và tổ chức sự kiện thừa nhận, cuối năm là thời điểm bận rộn nhất với những người trong ngành này. Trong số các đầu việc quan trọng, tổ chức hội nghị tri ân khách hàng cuối năm là một sự kiện không thể bỏ qua. Đây là dịp để ban lãnh đạo gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với nhân sự, đối tác khách hàng hoặc các cơ quan truyền thông bao chí vì vậy cần huy động rất nhiều nhân lực.

“Dĩ nhiên các tổ chức đều có lực lượng nhân sự nhất định song nếu tổ chức các hội nghị, gala diner với quy mô lớn và hoành tráng thì gần như đều phải thuê thêm nhân sự bên ngoài hỗ trợ. Thông thường, tôi ưu tiên lựa chọn các bạn sinh viên đang học các ngành nghề tổ chức sự kiện. Các bạn sinh viên bây giờ nhiều người giỏi lắm, làm việc chỉn chu và chuyên nghiệp. Ngoài ra, tôi cũng nghĩ tạo thêm cơ hội để các bạn cọ xát thực tế, vừa có thêm kinh nghiệm, vừa có thêm thu nhập”, chị Như Quỳnh chia sẻ.

Theo số liệu thu thập thông tin việc làm trống do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thực hiện, dự báo, thời điểm cuối năm nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khoảng 120.000 - 150.000 vị trí việc làm trống. Trong đó, tập trung vào các vị trí nhân viên bán hàng, dịch vụ, công nhân kỹ thuật/thợ, chuyên viên nghiệp vụ/kỹ thuật viên. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có thể đẩy mạnh tuyển dụng lao động thời vụ để phục vụ cho các chương trình khuyến mãi lớn và sự kiện như Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, hiện có rất nhiều cơ hội việc làm với các vị trí hấp dẫn ở các phân khúc về trình độ, từ sơ cấp, có chứng chỉ nghề, cao đẳng, đại học và trên đại học dành cho người lao động. Trong đó, có nhiều vị trí với mức lương dưới 7 triệu đồng, bao gồm cả nhóm lao động bán thời gian. Như vậy, cơ hội việc làm là khá đa dạng cho nhóm lao động là học sinh, sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ