Nguyên nhân chính đến từ những chính sách cứng rắn của Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là việc thu hồi thị thực, đàn áp quyền tự do ngôn luận trong giới sinh viên và siết chặt kiểm soát người nhập cư. Tất cả tạo nên bối cảnh căng thẳng địa chính trị và xung đột quốc tế leo thang.
Trong thời gian gần đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã mạnh tay thu hồi hàng trăm thị thực sinh viên và đe dọa trục xuất những người tham gia biểu tình ủng hộ Palestine tại các trường đại học danh tiếng như Harvard và Columbia.
Hành động này không chỉ khiến sinh viên Mỹ lo ngại về quyền tự do ngôn luận trong khuôn viên trường, mà còn tác động nghiêm trọng đến sinh viên quốc tế, những người thường dễ bị tổn thương và chịu nhiều ràng buộc về pháp lý.
Tình trạng “học trong sợ hãi” đang trở thành một thực tế đáng buồn. Hiện tại, hơn 130 sinh viên quốc tế đã khởi kiện liên bang chống lại chính quyền Trump, cáo buộc chính sách thu hồi thị thực là trái pháp luật. Trong khi đó, nhiều người khác không còn dám mạo hiểm đặt chân đến Mỹ ngay từ đầu.
Anh Rania Kettani, sinh viên người Maroc, từng biểu tình ủng hộ Palestine khi theo học tại Đại học New York vào năm 2023, chia sẻ, anh đã từ bỏ dự định học cao học tại Mỹ sau khi chứng kiến nhiều trường hợp bị hủy thị thực và không muốn học tập trong sợ hãi.
Không chỉ công dân các quốc gia Hồi giáo hay đang có xung đột với Mỹ mới bị ảnh hưởng. Nhiều đất nước khác cũng rơi vào “tầm ngắm”.
Sinh viên Trung Quốc, nhóm đông nhất trong cộng đồng du học sinh tại Mỹ, cũng đang quay lưng lại vì sự thắt chặt chính sách thị thực. Từ bỏ “giấc mơ Mỹ”, họ lựa chọn những quốc gia có chính sách cởi mở hơn tại châu Âu và châu Á.
Những chính sách đàn áp của chính quyền Trump không chỉ gây ra nỗi sợ hãi trong cộng đồng sinh viên, mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế và vị thế học thuật của Mỹ. Theo thống kê, sinh viên Trung Quốc mang lại hơn 14 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ trong năm 2023. Nhưng con số đó đang có xu hướng sụt giảm.
Các trường đại học châu Âu như Bocconi, Italy, hay các trường tại Hồng Kông, Trung Quốc, đang ghi nhận lượng đơn đăng ký tăng mạnh từ sinh viên quốc tế từng nhắm đến Mỹ. Chị Li, sinh viên Trung Quốc từng học ba năm tại New York, chia sẻ: “Tôi đã quyết định rời bỏ Mỹ để đến Hồng Kông làm nghiên cứu sinh. Tôi không thất vọng với việc không thể ở lại Mỹ nữa vì có những lựa chọn khác an toàn hơn”.
Nước Mỹ từng được ngưỡng mộ là biểu tượng của tự do học thuật và tư tưởng rộng mở, giờ đây trở nên xa lạ trong mắt nhiều sinh viên quốc tế. Nếu xu hướng này tiếp diễn, Mỹ có thể đánh mất không chỉ hàng tỷ USD từ nền kinh tế du học, mà còn cả những tài năng quốc tế từng góp phần làm rạng danh nền học thuật nước này.
Từ chối cơ hội tham gia chương trình trao đổi tại Đại học California, Mỹ, anh Tariq Kandil, sinh viên người Đức, chia sẻ: “Tôi không muốn phải thay đổi bản thân chỉ để nhập cảnh vào nước này”.