Phải chi tiêu tiết kiệm...
Tôi thuê 1 phòng trọ tại phường Hiệp Phú, Quận 9, TP.HCM và sống cùng với 1 người bạn cùng quê. Ngày tôi và bạn mới tới thuê cách đây gần 3 năm giá phòng chỉ là 1 triệu đồng, vậy mà trải qua thời gian, qua 3 lần chủ nhà tăng giá, từ 1 triệu lên 1,2 triệu, rồi 1,4 triệu, và mới đây nhất, tháng 1 năm 2018 chủ nhà tăng lên thành 1,6 triệu đồng/tháng.
Hai chúng tôi ở căn phòng trọ thấy cũng thoải mái, thuận tiện, gần trường học nên không muốn chuyển, mặc dù tiền phòng là khá “nặng”, trong khi hoàn cảnh kinh tế của cả gia đình tôi và bạn đều khó khăn vì cha mẹ làm nông. Đã có vài lần người bạn tôi nói tuyển thêm một cậu sinh viên nữa vào ở chung với mong muốn san sẻ cho nhẹ gánh tiền phòng, nhưng tôi không đồng ý, bởi cho thêm 1 người nữa vào ở có thể là không quá chật chội, nhưng mọi sinh hoạt sẽ bị đảo lộn, nhất lại là người lạ thì càng phức tạp... Vì thế mà tôi và bạn đi tới quyết định vẫn ở 2 người, nhưng sẽ chi tiêu tiết kiệm.
Chúng tôi lên hẳn một lịch trình chi tiêu tiết kiệm, để làm sao đấy mỗi tháng số tiền dôi ra đủ khoảng 200 ngàn đồng để bù đắp vào khoản tiền phòng tăng thêm mỗi tháng. Chẳng hạn tiền đi chợ, bình thường mỗi ngày mua 40 ngàn tiền thức ăn, rau quả..., nay chúng tôi rút xuống chỉ mua chừng 35 ngàn đồng. Tiền bột giặt cũng vậy, khi trước chúng tôi hay mua lẻ với gói 1 kg là 35.000 đồng, nay chuyển sang mua bịch lớn 6 kg mất có 170.000 đồng, như vậy cũng tiết kiệm được khoảng 40.000 đồng trong mấy tháng...
Đến ở ghép...
Ngoài biện pháp tiết kiệm ra thì cũng có không ít người đi thuê trọ đã áp dụng cách đối phó với việc nhà trọ tăng giá, đó là: ở ghép! Việc ở ghép chung là phương cách đầy hữu hiệu để giảm ngay tức thì giá tiền phòng “bổ” lên mỗi đầu người. Tuấn Anh, một người bạn đồng hương với tôi, đang là sinh viên năm 3 trường Đại học Giao thông vận tải (cơ sở 2), hiện thuê trọ tại phường Tăng Nhơn Phú A, Quận 9, TP.HCM, kể rằng: “Phòng trọ của tôi đầu tháng 4 vừa mới đây chủ nhà tăng thêm 300 ngàn đồng, lên thành 1,7 triệu đồng.
Đóng tiền nhà kiểu này nặng quá, khó kham nổi nên tôi và bạn đăng tuyển người ở ghép. May quá, có một cậu sinh viên năm 2 cùng trường hỏi ở ghép và cuối tháng này nó chuyển tới ở cùng. Trước kia, chưa tính điện nước mỗi đứa phải đóng là 750.000 đồng tiền phòng, sắp tới có thêm người nữa thì 1,7 triệu chia 3, mỗi người chưa đến 600.000 đồng!”. Sở dĩ Tuấn Anh phải chấp nhận ở ghép để giảm tiền phòng là vì cậu ta và bạn không thể chi tiêu tiết kiệm hơn được, khi mà mỗi ngày “đóng đinh” 50 ngàn tiền ăn một người, bao gồm sáng 10.000, mỗi bữa trưa- tối 20.000 đồng.
Và chuyển qua khu trọ có giá mềm!
Ngoài 2 phương pháp đối phó với nhà trọ tăng giá kể trên mà nhiều người áp dụng, có một bộ phận người cũng sống đời nhà trọ lại chọn cho mình cách di chuyển tới một khu dân cư xa trung tâm hơn với mong muốn phòng trọ tại những khu ấy giá mềm hơn các khu trung tâm có dân cư đông đúc sầm uất...
Trần Thu Thủy, là sinh viên năm 2 Học viện Bưu chính Viễn Thông, hiện mới thuê nhà trọ tại gần khu Suối Tiên, phường Tân Phú, Quận 9 là người như vậy, khi trước kia Thủy ở trọ ngay gần trường, nhưng giá phòng khu đó đắt, lại tăng liên tục, vì vậy Thủy đã rủ bạn cùng lớp di chuyển xuống gần Suối Tiên để thuê. Cũng giống như Thủy, một nhóm sinh viên trước kia ở cùng khu trọ tại quận 9 với tôi, lâu lâu gặp lại tôi mới biết họ chuyển chỗ ở sang tận gần cầu vượt Sóng Thần( địa phận tỉnh Bình Dương).
Họ nói rằng sang khu đó giá phòng vẫn còn rất rẻ, khi phòng trọ cấp 4 bình dân chỉ 600-800 ngàn đồng/phòng/tháng; còn loại phòng xây mới hiện đại, khép kín có gác lửng rộng cỡ 16 mét vuông giá cũng chỉ 1 triệu đồng/tháng. Tất nhiên, khi chuyển ra xa và hưởng mức giá phòng rẻ, nhóm sinh viên ,kia phải chấp nhận đi học xa, bởi nếu không có xe máy, một số người còn phải bắt từ 1 đến 2 tuyến buýt mới tới trường được. Dẫu vậy, một khi đã chấp nhận thuê trọ xa để giảm tiền phòng thì các đối tượng dạng này luôn chấp nhận hết, khắc phục bằng mọi giá.