Sinh viên miền Tây tiến bước vào kỷ nguyên mới

GD&TĐ - Nhiều sinh viên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tự rèn luyện những kỹ năng mềm, vững tin bước vào thời đại hội nhập...

Ngô Cương bên các sản phẩm của dự án ‘‘Tràm’s: Khai thác tối đa nguồn tài nguyên bản địa”. Ảnh: Q.M
Ngô Cương bên các sản phẩm của dự án ‘‘Tràm’s: Khai thác tối đa nguồn tài nguyên bản địa”. Ảnh: Q.M

Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhiều sinh viên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ nỗ lực phấn đấu trong học tập, mà còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào, tự rèn luyện những kỹ năng mềm, vững tin bước vào thời đại hội nhập.

Hoàn thiện kỹ năng

Trần Thuận Thiên hiện là sinh viên năm 4, lớp ngôn ngữ Anh, Phân hiệu Trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau. Trong những năm học qua, Thiên đều có điểm rèn luyện, học tập thuộc loại xuất sắc.

Riêng năm học 2023 - 2024, Thiên có điểm rèn luyện đạt 100/100; điểm học tập đạt 3.98/4.0 điểm. Thuận Thiên tích cực tham gia các phong trào đoàn, hội do trường phát động, có đề tài nghiên cứu khoa học đạt loại tốt cấp trường. Kỹ năng tiếng Hoa của Thuận Thiên đạt 4.0/4.0 điểm. Thuận Thiên cũng trang bị tốt kỹ năng tiếng Anh, đạt giải Ba kỳ thi tiếng Anh Toeic Mock Test 2024.

“Em nghĩ trong thời đại hội nhập, sinh viên cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết, đặc biệt là về ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Đây chính là những công cụ, phương tiện hỗ trợ đắc lực cho sinh viên trong việc học, nghiên cứu, giúp kết nối bạn bè, có thể trở thành những sinh viên toàn cầu”, Thuận Thiên chia sẻ.

Với việc đạt 5 tiêu chí đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, tình nguyện tốt, hội nhập tốt, Trần Thuận Thiên được công nhận đạt danh hiệu “Sinh viên năm tốt” cấp Trung ương năm học 2023 - 2024.

Học cùng trường, cùng ngành, nhưng sau Trần Thuận Thiên một khóa, Ngô Cương cũng nhận danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương vì có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện. Đặc biệt, năm học 2023 - 2024 Ngô Cương đạt điểm học tập tuyệt đối, có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và đạt giải Nhất kỳ thi tiếng Anh Toeic Mock Test…

sinh-vien-mien-tay-tien-buoc-vao-ky-nguyen-moi-1.jpg
Trần Thuận Thiên được trao tặng danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương. Ảnh: Q.M

“Theo em, xã hội ngày càng phát triển, tiêu chuẩn các nhà tuyển dụng đặt ra ngày càng cao, nếu sinh viên không nỗ lực hoàn thiện bản thân, trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết thì rất khó có thể tìm kiếm được việc làm tốt sau khi ra trường. Vì thế em luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân từng ngày. Việc được công nhận trở thành “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương đối với em là vinh dự. Đây là động lực lớn để em tiếp tục hoàn thiện bản thân trong chặng đường tiếp theo”, Ngô Cương chia sẻ.

“Sao Tháng Giêng” là giải thưởng cao quý của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam nhằm tuyên dương, khen thưởng những sinh viên, cán bộ hội trong và ngoài nước có thành tích tiêu biểu trong học tập và rèn luyện. Trần Quốc Duy, sinh viên năm 4 Trường Đại học Bạc Liêu là một trong 112 sinh viên tiêu biểu vừa được vinh danh nhận giải thưởng này.

Duy cho biết, kể từ khi bước vào giảng đường đại học em luôn tích cực tham gia các phong trào đoàn, hội do trường tổ chức như: Xuân yêu thương, Mùa Hè xanh, Chiến dịch nhặt rác toàn quốc, Ngày thứ Bảy tình nguyện…

Bên cạnh sự năng nổ trong các phong trào, Quốc Duy cũng miệt mài và đạt thành tích đáng nể trong học tập. Nhiều năm liền Duy đều là sinh viên có thành tích học tập xuất sắc tại Trường Đại học Bạc Liêu. Ngày 3/1 vừa qua, Duy vinh dự được trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

“Em rất xúc động và tự hào khi nhận giải thưởng Sao Tháng Giêng và được kết nạp vào Đảng. Đây chính là động lực để em tiếp tục phấn đấu hơn trong chặng đường học tập tiếp theo và cả trên chặng đường lập thân lập nghiệp. Em sẽ nỗ lực cống hiến hết sức mình để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày thêm giàu đẹp”, Duy tâm sự.

sinh-vien-mien-tay-tien-buoc-vao-ky-nguyen-moi-4.jpg
Trần Quốc Duy bên mô hình “Xây dựng khu du lịch cánh đồng muối Ba Thắc tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu”. Ảnh: Q.M

Đam mê nghiên cứu khoa học

Dù xuất thân và thành tích học tập, rèn luyện của Trần Thuận Thiên, Ngô Cương và Trần Quốc Duy khác nhau, nhưng họ đều chung niềm đam mê nghiên cứu khoa học và có những dự án ấn tượng.

Dự án “Tràm’s: Khai thác tối đa nguồn tài nguyên bản địa - chế phẩm sinh hóa tự nhiên và ứng dụng chế tác thủ công mỹ nghệ” của Ngô Cương và nhóm bạn tại Phân hiệu Trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau đã giành giải “Dự án tiềm năng” tại cuộc thi khởi nghiệp Cà Mau 2024 (CamaUp'24).

Dự án này cũng vào vòng bán kết 2 và đạt giải chung cuộc đề tài được yêu thích nhất lĩnh vực tài nguyên môi trường tại Giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên toàn quốc năm 2024 (Eureka 2024) do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ Thành đoàn TPHCM tổ chức.

Chia sẻ về dự án, Ngô Cương cho biết, rừng tràm Cà Mau là lá phổi xanh điều hòa khí hậu cho toàn vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, một số phụ phẩm từ cây tràm như vỏ, lá chưa được tận dụng triệt để. Vì vậy, nhóm muốn tận dụng chúng để sản xuất các sản phẩm đa năng, nâng cao giá trị cây tràm, thu nhập cho người dân địa phương, và tạo ra những sản phẩm mang đặc trưng vùng miền.

“Xuất phát từ ý tưởng đó, với sự hỗ trợ của nhà trường và thầy cô, nhóm em đã sản xuất các sản phẩm như tinh dầu tràm (dạng chai, bi lăn, lọ để bàn, treo), cao tinh dầu tràm, xà phòng sinh dược, nến thơm, sáp thơm khử nấm mốc và đuổi côn trùng, sản phẩm đế lót ly, tranh mỹ nghệ từ vỏ tràm... Mỗi sản phẩm đều mang dấu ấn đặc trưng của rừng tràm Cà Mau. Nó là sự kết hợp hài hòa giữa giá trị truyền thống và nhu cầu hiện đại, phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường. Từ đó, chúng không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần bảo vệ và phát huy tài nguyên thiên nhiên bản địa một cách bền vững”, Cương nói.

Trần Quốc Duy cũng có niềm đam mê mãnh liệt và là sinh viên đi đầu trong phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Bạc Liêu. Quốc Duy chính là chủ nhân của ý tưởng khởi nghiệp với đề tài nghiên cứu “Xây dựng khu du lịch cánh đồng muối Ba Thắc tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu” vào top 10 và đề tài “Sữa hạt bàng M2T” đạt giải Triển vọng trong cuộc thi “Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL lần thứ 3 năm 2024”.

“Những đề tài nghiên cứu của em thường dựa trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Em mong muốn góp phần quảng bá tiềm năng du lịch, nâng cao giá trị hạt muối quê hương, góp phần tăng thu nhập cho diêm dân. Theo em, trong kỷ nguyên mới mỗi sinh viên cần phải năng động và giàu sáng tạo, nỗ lực cống hiến vì sự phát triển chung của quê hương, đất nước”, Duy nhận định.

“Thời gian qua tổ nghiên cứu khoa học của nhà trường thường xuyên kết hợp với văn phòng đoàn, hội hướng dẫn sinh viên làm quen với việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển dự án của riêng mình. Trường cũng liên kết với các trường đại học quốc tế tổ chức hội thảo hằng năm để học sinh tham dự thuyết trình, có bài viết, công trình nghiên cứu đăng trên kỷ yếu hội thảo, tổ chức các cuộc thi TOEIC để sinh viên rèn luyện, tham gia thi thử nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh, tạo điều kiện để sinh viên hội nhập tốt”, chị Nguyễn Đông Kiều, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Phân hiệu Trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Bài chòi hút khách

GD&TĐ - Tận dụng ưu thế về hát bài chòi, nhiều điểm tham quan du lịch ở miền Trung đã tổ chức diễn xướng bài chòi hàng đêm như Hội An (Quảng Nam).