Thực tế này là bài học kinh nghiệm để thí sinh năm nay không lặp lại “vết xe đổ” khi các em bước chân vào giảng đường đại học.
“Bắt mạch” nguyên nhân
Hơn 7 năm trôi qua, T.X.L quê Đông Anh (Hà Nội) vẫn không thể có bằng tốt nghiệp của Học viện Bưu chính viễn thông. T.X.L thừa nhận là do ham chơi nên mất động lực học tập khi bước vào năm thứ 2, dẫn đến nợ nhiều môn. Học hành sa sút, T.X.L lại lao vào các trò chơi điện tử, thậm chí còn quên cả lịch thi. “Bước vào năm cuối, em muốn quay lại việc học nhưng không còn kịp” - T.X.L ngậm ngùi và mong các thí sinh năm nay lấy đó là bài học kinh nghiệm để không rơi vào tình cảnh đó. Tuyệt đối không được bê trễ học hành và càng không được để mất đi động lực trong học tập. Điều đó có thể khiến các bạn “trượt dốc” và có những thứ sẽ không bao giờ làm lại được.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin: Năm học 2021 - 2022, có khoảng 450 sinh viên hệ chính quy của trường bị buộc thôi học. Ở những năm học trước, con số này là 700 - 800 em. Nguyên nhân sinh viên bị buộc thôi học chủ yếu do ham chơi, xác định mục tiêu không rõ ràng. Số còn lại xuất phát từ những nguyên nhân khác như mất động lực, ốm đau...
Tại Học viện Tài chính, trung bình mỗi năm có khoảng 10%, tương đương hơn 300 sinh viên không tốt nghiệp đúng hạn. Với khóa 56 (2018 – 2022), đến thời điểm này có 654 sinh viên chưa đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp, trong đó có 56 sinh viên xin hoãn xét tốt nghiệp.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Quản lý đào tạo nhà trường, có nhiều lý do dẫn đến sinh viên không tốt nghiệp đúng kỳ hạn. Chẳng hạn như: Một số em chưa thực sự cố gắng trong học tập. Có những em mải mê đi làm thêm, ảnh hưởng đến kết quả học nên không thể tốt nghiệp đúng thời hạn. Một phần cũng có nguyên nhân từ phía cố vấn học tập đã không theo sát sinh viên lớp mình đảm nhận, nên các em bỏ lỡ cơ hội học tập. Nhiều sinh viên còn nợ môn, chưa đạt chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ. Cũng có sinh viên muốn cải thiện điểm, xếp loại bằng tốt nghiệp của mình nên xin hoãn xét tốt nghiệp.
Xót xa khi mỗi lần Hội đồng Xét học vụ phải ra quyết định cảnh báo hoặc buộc thôi học với nhiều sinh viên, TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, nếu không được chuẩn bị tâm lý, kỹ năng tốt, nhiều sinh viên có thể bị “sốc” và không kịp thích ứng, dẫn đến trượt dài trong thất bại. Để tránh rơi vào tình trạng này, các em cần nghiên cứu kỹ quy định đào tạo của trường mình theo học. Theo dõi thông tin đào tạo thường xuyên của nhà trường qua các kênh chính thống; đồng thời xây dựng kế hoạch học tập từng năm, kỳ, môn học và từng bước đạt được chúng.
Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Hồ Chí Minh thực hành thí nghiệm. Ảnh minh hoạ: NTCC |
Khổ luyện mới thành tài
“Các em cũng nên tận dụng tối đa sự hỗ trợ của cố vấn học tập, đồng thời tự giác ôn tập sau mỗi ngày học tập. Không nên chỉ ôn tập trước mỗi kỳ thi. Đặc biệt, đừng quá tập trung đi làm thêm mà bỏ bê việc học tại trường. Nên nhớ, học tập mới nhiệm vụ chính của sinh viên”, TS Hoàng Trung Học nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền trao đổi, để trúng tuyển vào đại học đã khó, việc duy trì phong độ cũng khó không kém. Vì thế, các em cần cố gắng và nỗ lực hết mình trong học tập, rèn luyện. Đừng tự mãn vì đã trúng tuyển vào đại học mà học tập theo kiểu “xả hơi”. Học đại học là quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ. Các cơ sở đào tạo luôn đặt ra những yêu cầu nhất định với sinh viên để bảo đảm chất lượng đầu ra. Do đó, đòi hỏi người học phải luôn có ý thức, thái độ học tập nghiêm túc. Ngoài ra, các em phải tự trang bị cho mình những kỹ năng để thích ứng với môi trường học tập mới.
Để tránh “vết xe đổ”, khi tiếp nhận tân sinh viên, Học viện Tài chính thường dành khoảng thời gian nhất định để các em làm quen với môi trường học tập mới. Trong thời gian này, sinh viên sẽ được tư vấn lập kế hoạch học tập một cách khoa học, vừa bảo đảm mục tiêu học tập, vẫn có thể trải nghiệm các kỹ năng cần thiết.
Ngoài ra, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch, tân sinh viên cũng được phổ biến các quy định liên quan đến học tập, đồng thời cảnh báo nguy cơ có thể mắc phải (tệ nạn, lừa đảo…). Tất cả được truyền tải đầy đủ để sinh viên xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của mình. “Song, trên hết, các em phải chủ động xây dựng cho mình chiến lượng học tập khoa học. Các em có thể tham vấn ý kiến của cố vấn học tập, tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là mục tiêu và nỗ lực của bản thân mỗi người” - PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Hoàng Trung Học lưu ý, các em cần có ý chí vượt khó, tính tự giác cao trong học tập. Học đại học không chỉ là quá trình giáo dục đơn thuần, mà là hành trình đào tạo, hình thành phẩm chất, năng lực nghề nghiệp ở một chủ thể đã trưởng thành, có tính tự giác cao. Chỉ khi nhận thức được điều đó, các em mới có thể học tập tốt trong trường đại học.
TS Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường ĐH Y Hà Nội) cho rằng, nếu thí sinh quyết tâm theo học những ngành khó và vào học những trường tốp đầu cần xác định phải khổ luyện khi học đại học. Theo đó, các em cần học thật tốt ngoại ngữ vì ngành nghề nào cũng cần. Lấy ví dụ từ ngành Y, TS Lê Đình Tùng nhấn mạnh, ngành này đòi hỏi ngoại ngữ cao. Thứ nữa, chăm sóc sức khoẻ là ngành đặc biệt nên người theo học ngành này phải có đủ kiến thức, năng lực, trình độ mới có thể theo “bám trụ”. Ngành nghề nào cũng vất vả và không có chuyện lao động bình thường mà trở thành xuất sắc được.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, với những sinh viên chậm tốt nghiệp, nếu được hỗ trợ kịp thời, tìm ra phương án học phù hợp, các em có thể khắc phục được khó khăn. Ngoài ra, trong trường hợp bị buộc thôi học hệ chính quy, sinh viên vẫn có thể chuyển sang học hệ khác như vừa làm vừa học.