Việc này không chỉ làm cho tiến trình thực hiện luận án tốt nghiệp, kết thúc các học phần thực hành của sinh viên bị gián đoạn, mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành chuẩn đầu ra tiếng Anh, Tin học của nhiều em.
Chưa thể hoàn thành chuẩn đầu ra
Dịch Covid-19 bùng phát ngay trước thời điểm sinh viên nghỉ hè và hoàn thành học kỳ cuối, nhiều em rơi vào tình cảnh không kịp hoàn thành chuẩn đầu ra tiếng Anh, Tin học căn bản theo quy định.
Tại các trường như ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH), ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU), ĐH Công nghiệp, ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI)…, số sinh viên sắp tốt nghiệp chưa hoàn thành chuẩn đầu ra môn Tiếng Anh và Tin học căn bản tương đối lớn. Nguyên nhân do dịch Covid-19 kéo dài suốt 5 tháng qua khiến các em không thể tham dự các đợt thi xét hoàn thành chuẩn đầu ra tiếng Anh và Tin học theo quy định.
Các trường đã ghi nhận khó khăn và vướng mắc mà sinh viên gặp phải, có kế hoạch lùi thời gian xét tốt nghiệp cho nhóm này, cũng như sẵn sàng cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời để các em chủ động trong việc xin việc và sắp xếp thời gian phù hợp để bổ sung chứng chỉ.
Dù chỉ còn học phần thực hành và đợi thi chứng chỉ tiếng Anh đầu ra là có thể tốt nghiệp nhưng Trần Phước Th. - sinh viên Khoa Du lịch Trường ĐH KHXH&NV TPHCM vẫn chưa thể tốt nghiệp đúng hạn và phải chờ suốt mấy tháng qua vì trường chưa thể bố trí đi thực hành.
Th. cho biết: Theo quy định ngành học của em phải có điểm thực hành ở doanh nghiệp nhưng mấy tháng qua TPHCM dịch quá nặng nên chưa thể đi. “Ngoài học phần thực hành, chuẩn đầu ra tiếng Anh của em cũng chưa được thi. Cả tháng nay em theo dõi thông tin nhưng không thấy nơi nào tổ chức nên khá nóng ruột vì không biết tới bao giờ mới được thi”, Th nói.
Theo TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, trường có khoảng hơn 1.000 sinh viên năm cuối (30%) chưa thi chứng chỉ đầu ra môn Tiếng Anh và Tin học căn bản.
“Trước mắt chưa thể tổ chức thi do dịch Covid-19 vẫn phức tạp, nhà trường sẽ tạo điều kiện xét tốt nghiệp, cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời để sinh viên ra trường, kiếm việc làm. Tuy nhiên, để được nhận bằng tốt nghiệp chính thức, bắt buộc sinh viên phải có đủ 2 chứng chỉ này bổ sung trong thời gian quy định”, TS Thanh cho biết.
TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM - cho biết: Số lượng sinh viên chưa thể tốt nghiệp đúng hạn vì thiếu chuẩn đầu ra tiếng Anh, Tin học hay học phần thực hành do ảnh hưởng dịch Covid-19 tại trường tương đối nhiều. Nhiều nhất là sinh viên các ngành công nghệ khi còn thiếu các môn thực hành, thí nghiệm.
“Để giải quyết tình trạng trên, trường đã chủ động triển khai các hình thức thi đa dạng như vấn đáp, tiểu luận có thuyết trình, thi trực tuyến... Nhưng tiến độ hoàn thành chương trình của nhiều sinh viên vẫn chậm. Hiện, nhiều sinh viên khác đã học xong, bảo vệ luận văn xong nhưng chưa có chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học nên chưa thể nộp đơn xét tốt nghiệp. Để tháo gỡ, nhà trường đang xin ý kiến từ Bộ GD&ĐT”, TS Nhân cho biết.
Chủ động giải pháp, không để sinh viên thiệt thòi
Để tháo gỡ vướng mắc trên, ngoài việc kéo dài thời gian tốt nghiệp hơn so với quy định từ 3 - 4 tháng, nhiều trường đã và đang ưu tiên cho sinh viên năm cuối, sinh viên còn thiếu học phần thực hành hoặc giờ làm khóa luận được đăng ký và trở lại trường học trực tiếp.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và Trường Cao đẳng Cao Thắng đã bắt đầu cho sinh viên đến trường học thực hành theo từng nhóm nhỏ 10 - 15 sinh viên (đảm bảo 5K và tiêm 2 mũi vắc-xin) để kịp tiến độ tốt nghiệp.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM), số lượng sinh viên đã lỡ thời gian xét tốt nghiệp (năm 2020) cần hoàn thiện học phần thực hành, khóa luận tốt nghiệp của trường không nhiều, chỉ khoảng vài chục em do khi TP giãn cách. Số giờ các em đã gần đủ (13/15) nên trường bố trí cho học online. Riêng khóa năm nay thì khá nhiều, trường cũng đã cho sinh viên đăng ký nhưng hiện chưa dám tổ chức học trực tiếp lại vì dịch vẫn rất phức tạp. Giải pháp trước mắt là trường sẽ kéo dài thời gian tốt nghiệp cho các em để chờ tình hình dịch xem thế nào”, PGS.TS Bùi Hoàng Thắng nói.
Trường ĐH Nông Lâm TPHCM có kế hoạch tổ chức thi vào cuối tháng 12 cho sinh viên chưa hoàn thành chứng chỉ tiếng Anh chuẩn đầu ra. TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Ngoại ngữ của trường, có khoảng 3.000 sinh viên cần phải hoàn thành chuẩn đầu ra tiếng Anh.
“Ngoài việc cho phép sinh viên được thay thế chứng chỉ chuẩn đầu ra tiếng Anh bằng các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (có xác nhận của Trung tâm Ngoại ngữ), trường cũng tính đến giải pháp phân nhóm nhỏ để tổ chức thi cho sinh viên trong điều kiện và bối cảnh cho phép. Trường hợp dịch vẫn phức tạp, nhà trường sẽ cộng thêm thời gian xét tốt nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho các em”, TS Lý nói.
Tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH), để linh hoạt tháo gỡ cho sinh viên, ngoài việc học trực tuyến, nhà trường còn tăng cường tổ chức các học phần thực hành trên nền tảng Google Meet, thực hiện các video - clip bài giảng và tương tác trực tuyến cùng sinh viên. Hình thức này được áp dụng phổ biến từ đầu học kỳ I năm học 2021 - 2022 thay vì chỉ áp dụng đối với một số môn học thực hành đơn giản ở năm học trước đó.
Song song đó là bổ sung điều kiện về chứng chỉ ngoại ngữ đối với sinh viên hoàn tất các điều kiện xét tốt nghiệp nhưng còn thiếu chứng chỉ này theo quy chế đào tạo. Tuỳ vào diễn biến của dịch bệnh, HUTECH sẽ có những giải pháp thi chứng chỉ đảm bảo quy chế thi và tuân thủ an toàn về giãn cách.