Thực tế, họ bị bóc lột sức lao động và nhận mức lương bèo bọt.
Nghe lời quảng cáo được nhận 20 tín chỉ đại học và một công việc nhẹ nhàng với mức lương lên tới 30 triệu rupiah mỗi tháng, sinh viên người Indonesia, Ramayana Monica, 22 tuổi, nhanh chóng đăng ký chương trình thực tập tại Đức. Nhưng thực tế khác xa so với tưởng tượng của cô.
Trong thời gian thực tập, Monica phải làm những công việc lặt vặt ở nhiều vùng khác nhau tại miền Tây nước Đức như phân loại trái cây, vận chuyển hàng hoá nặng, dỡ bỏ giấy dán tường cho các căn hộ...
“Tôi không còn là sinh viên mà là người lao động chân tay. Tôi cảm thấy mệt mỏi và lạnh cóng sau nhiều giờ làm việc với cơn đói cồn cào. Cơ quan tuyển dụng có trụ sở tại Đức ép chúng tôi ký hợp đồng lao động nhưng bỏ rơi chúng tôi và trả lương rất thiếu minh bạch”, Monica mô tả.
Những công việc trên không liên quan đến chuyên ngành Hành chính công mà Monica theo học tại Đại học Jambi, Indonesia. Nhưng nữ sinh vẫn cố gắng hoàn thành công việc để bù đắp 30 triệu rupiah tốn cho chương trình. Cô trở về thủ đô Jakarta an toàn vào ngày 30/12/2023.
Monica nằm trong gần 2 nghìn sinh viên Indonesia bị lừa đóng tiền cho chương trình thực tập kéo dài 3 tháng do các công ty tuyển dụng Indonesia và Đức tổ chức. Họ quảng cáo chương trình thực tập, tên Ferienjobs (công việc thời vụ), nằm trong chương trình MBKM của Bộ Giáo dục Indonesia nhằm tăng cường kết nối các chương trình đại học và nhu cầu doanh nghiệp nước ngoài. Nó bao gồm những công việc nhẹ nhàng, dễ làm mà lương cao.
Mọi chuyện vỡ lở vào tháng 5/2023, khi 4 sinh viên Indonesia bị nợ lương trong chương trình Ferienjobs tìm đến Đại sứ quán Indonesia tại Berlin, Đức để trình báo sự việc. Cuộc điều tra liên quan đến ít nhất 33 trường đại học Indonesia. Tất cả sinh viên tham gia Ferienjobs đều đã trở về nước vào tháng 12/2023.
Đến nay, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ 5 người liên quan đến vụ lừa đảo trên, trong đó có một giáo sư tại Đại học Jambi Người này bị cáo buộc đã giới thiệu chương trình Ferienjobs vào 8 trường đại học và thuyết phục 87 sinh viên đăng ký.
Hôm 4/4, ông Thomas Graf, Phó Trưởng phái đoàn Đại sứ quán Đức tại Jakarta, nhấn mạnh Ferienjobs không phải một chương trình thực tập. Đây là mô hình việc làm dành cho sinh viên quốc tế muốn tích luỹ kinh nghiệm ở Đức trong thời gian nghỉ học kỳ.
Trên thực tế, nhiều công việc trong Ferienjobs không liên quan đến ngành học của sinh viên quốc tế. Do đó, các nhóm lừa đảo đã lợi dụng điểm này khi tổ chức chương trình.
Theo thông tin điều tra từ cảnh sát, nhóm lừa đảo quảng cáo rằng sinh viên sẽ nhận mức lương hàng tháng từ 20 - 30 triệu rupiah. Số tiền này sẽ giúp những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trang trải học phí nên không ít người trong số họ vay nợ từ 30 – 50 triệu rupiah để làm thủ tục sang Đức.
Khi trở về nước, họ gánh trên vai khoản nợ khổng lồ. Nhiều người không thể kể với gia đình vì tủi nhục và không muốn làm người thân lo lắng. Một số tổ chức đang tìm cách giúp những sinh viên khó khăn nhất giải quyết khoản nợ trên để họ có thể yên tâm học hành.
Bộ Giáo dục Indonesia khẳng định Ferienjobs không thuộc MBKM. Ngược lại, sinh viên Indonesia tham gia Ferienjobs tại Đức phải làm những công việc tay chân nặng nhọc, không liên quan đến ngành học và trả lương bèo bọt. Sinh viên thậm chí còn mắc nợ công ty trung gian vì bị tính vé máy bay và chỗ ở đắt đỏ tại Đức.