Giai thoại về đất, về làng, về quá khứ đầy hoài niệm đã nhen nhóm cho chúng tôi nhiều cảm xúc rất khó tả, vừa yêu mến, ngưỡng mộ, vừa muốn gìn giữ, tôn vinh….
Đó là lời chia sẻ của giảng viên Phan Trần Kiều Trang – Chủ nhiệm câu lạc bộ Kicodo – Kiến trúc vì cộng đồng (Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng) khi nói về ý tưởng thực hiện cuốn sách ảnh “Làng cổ Phong Nam – Xưa và nay” vừa được xuất bản vào tháng 4/2016.
Có lẽ, cũng chính vì cảm xúc mạnh mẽ đó mà nhóm giảng viên, sinh viên chỉ mất hơn 5 tháng để biến ý tưởng thành một cuốn sách bằng tranh và ảnh về làng cổ Phong Nam – Xưa và nay.
Theo giảng viên Phan Trần Kiều Trang, dưới sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, cũng như quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã làm cho những nét văn hóa, kiến trúc làng cổ Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cũng như các làng cổ Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị mai một.
Vì lẽ đó, nhóm giảng viên, sinh viên câu lạc bộ Kicodo – Kiến trúc vì cộng đồng (Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng) đã tổ chức thực hiện cuốn sách “Làng cổ Phong Nam – Xưa và nay” nhằm thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên, bạn trẻ và cộng động xã hội trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống làng cổ Việt Nam.
“Chính vì ý nghĩa thiết thực đó mà quá trình thực hiện cuốn sách đã thu hút sự tham gia của đông đảo các bạn sinh viên tham gia. Hầu hết các bạn sinh viên tham gia đều có mong muốn đem sức trẻ và trí tuệ của mình để bảo tồn các giá trị văn hóa, kiến trúc làng cổ Phong Nam”, giảng viên Phan Trần Kiều Trang chia sẻ.
Cuốn sách “Làng cổ Phong Nam – Xưa và nay” gồm 80 trang sách bằng tranh vẽ và ảnh như những thước phim quay chậm tái hiện Làng cổ Phong Nam nổi tiếng với bề dày lịch sử lâu đời, mang đậm bản sắc của một làng quê Việt với những công trình kiến trúc cổ như đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc và những lễ hội truyền thống. Bởi nói như bà Huỳnh Yên Trầm My - Trưởng ban Biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng, “Làng cổ Phong Nam – Xưa và nay” là cuốn sách khá độc đáo.
Cuốn sách lưu giữ những không gian vật thể và phi vật thể đặc trưng hiện hữu của làng bằng nghệ thuật nhiếp ảnh và nghệ thuật ký họa. Thông qua khai thác ký ức của người dân về những không gian làng quê đã bị mai một và tái hiện lại những không gian ấy bằng nghệ thuật hình ảnh hết sức sinh động. Bằng những nét phác thảo theo lời kể của người làng về kiến trúc, sinh hoạt, con người ở đây, các bạn sinh viên phần nào đã dựng lên một không gian khá chân thật và sinh động, tuy mới ở mức độ chấm phá.
Ngoài những đình chùa miếu mạo, những lễ hội dân gian, những nghề truyền thống, đến Phong Nam chúng ta còn có thể nghe nhiều câu chuyện thú vị về những con người nổi tiếng được người đời truyền tụng như Ông Ích Khiêm – người con tài năng của miền đất Phong Lệ, mà xưa kia làng Phong Nam là một phần quan trọng của vùng đất này, hay nghe chuyện kể về Cao Bá Quát với những lần viếng thăm và cả câu đối của cụ Phan Bội Châu dành tặng mà dân làng hết sức trân trọng.
“Tập sách Làng cổ Phong Nam – Xưa & Nay do nhóm các bạn trẻ sinh viên, giảng viên Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng biên soạn, thể hiện tình yêu và tấm lòng của thế hệ trẻ dành cho quá khứ, ý thức gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc”, giảng viên Phan Trần Kiều Trang tâm sự.