Solution Challenge là cuộc thi thường niên do cộng đồng Developer Student Clubs tổ chức với sự hậu thuẫn từ hãng công nghệ hàng đầu thế giới Google. Mục tiêu của cuộc thi nhằm tìm ra các giải pháp cho các vấn đề của cộng đồng địa phương bằng cách sử dụng một hoặc nhiều sản phẩm nền tảng của Google. Cuộc thi năm nay thu hút 835 dự án đến từ các bạn trẻ của nhiều quốc gia trên thế giới như Canada, South Korea, Germany, Turkey, India…
Dự án có tính ứng dụng cao
Vượt qua nhiều đối thủ cạnh tranh với dự án Gateway, 4 chàng sinh viên tài năng của Trường Đại học Hoa Sen gồm Nguyễn Đăng Khương, Trương Hoàng Duy , Nguyễn Võ Đăng Cao, Nguyễn Mạnh Hùng đã giành vị trí cao nhất, trở thành TOP 3 dự án xuất sắc nhất của cuộc thi (không chia giải nhất, nhì, ba). Trước đó, các bạn cũng là đại diện duy nhất từ Việt Nam và Đông Nam Á lọt TOP 10 để tham gia chung kết cuộc thi Công nghệ Google Solution Challenge 2022.
Gateway là một sản phẩm xây dựng các chốt kiểm tra 5K không cần sự hỗ trợ hoặc can thiệp của con người. Mục tiêu chính của dự án là giảm bớt áp lực cho lực lượng y tế, cộng đồng, các doanh nghiệp trong công cuộc phòng chống, ngăn ngừa dịch covid-19. Với các điều kiện tiên quyết như giá thành thấp, học sinh, sinh viên có thể lắp đặt thông qua các thiết bị linh kiện điện tử, ứng dụng điện thoại để thiết lập Gateway tại nơi sinh sống và làm việc của họ. Đồng thời, Gateway hoàn toàn là ứng dụng open-source (mã nguồn mở), do đó mọi người đều có thể thể tham gia hỏi đáp hoặc cùng nhóm phát triển dự án.
Nguyễn Đăng Khương, thành viên của đội GDSC cho biết, từ cuối năm 2019, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng rất lớn về mọi mặt do dịch Covid-19. Từ tháng 10/2020, Việt Nam đã gỡ bỏ lệnh giãn cách để người dân học tập và làm việc bình thường, nhưng những khâu kiểm tra quá lâu và luôn phải cần 1-2 nhân viên bảo vệ chốt ở các cổng ra vào của 1 tòa nhà để kiểm tra.Điều đó làm cho tình hình lây nhiễm chéo ngày càng phức tạp. Do đó, nhóm đã lên ý tưởng làm một sản phẩm giải quyết vấn đề này.
4 thành viên của đội trong phần dự thi của mình |
“Chúng em tin rằng, Gateway là một giải pháp hữu ích và thích hợp để đặt ở các cửa ra vào của tất cả các tòa nhà, trường học nhằm giúp cho việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả hơn và tránh lây nhiễm chéo một cách tối đa”- Khương chia sẻ.
Sản phẩm hoàn toàn “made by” sinh viên
Để thực hiện dự án này, cả nhóm đã mất hơn 1 tháng để triển khai và thực hiện. Từ lúc lên ý tưởng cho đến lúc hoàn thành sản phẩm là khoảng thời gian giãn cách toàn xã hội, do đó quá trình triển khai ý tưởng, vẽ bản mẫu, tìm mua các thiết bị cần thiết, in các bản mẫu 3D, lên ý tưởng kịch bản và thực hiện video dự thi đều do các bạn sinh viên tự thực hiện.
“Nhóm chia nhỏ các công việc ra để hoàn thiện 1 mobile app để kiểm tra nhiệt độ, khẩu trang, điểm danh và khử khuẩn. Bên cạnh đó, chúng em còn làm 1 web app để nhân viên trong tòa nhà có thể theo dõi từ xa và có thể trích xuất dữ liệu nếu cần, tránh lây nhiễm chéo hết mức có thể.
Về mặt kỹ thuật, chúng em mong muốn sử dụng những công nghệ của Google. Một phần để hoàn thành 1 tiêu chí đánh giá của cuộc thi, một phần để củng cố và ứng dụng những kiến thức chúng em đã học được trong quá trình hoạt động CLB Google Developer Student – Đại học Hoa Sen”- Khương chia sẻ về quá trình thực hiện sản phẩm.
Khó khăn lớn nhất của nhóm trong quá trình thực hiện dự án chính là phần ý tưởng. Dù rất nhiều ý tưởng muốn thực hiện để hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh Covid-19 nhưng tính khả thi và cần thiết của sản phẩm cần phải được trau chuốt, ưu tiên để thật sự giúp ích cho mọi người. Bên cạnh đó, thời gian thực hiện sản phẩm khá gấp và TP.HCM đang trong khoảng thời gian giãn cách là một trong những hạn chế để các bạn thực hiện sản phẩm.
Ngoài sản phẩm Gateway của sinh viên Đại học Hoa Sen, dự án Xtrinsic của nhóm sinh viên Đại học Freiburg (Đức) và dự án Blossom của Đại học Waterloo (Canada) là 2 dự án vào TOP 3 của cuộc thi.
Với thành tích này, các đội thi nhận được giải thưởng trị giá 3.000 USD cho mỗi thành viên của nhóm cùng với chứng chỉ từ Google.
Dự án nghiên cứu của sinh viên Trường ĐH Hoa Sen được đánh giá cao về tính ứng dụng |
Đây là thành tích ấn tượng của sinh viên Việt Nam trên các sân chơi quốc tế, đặc biệt là sân chơi về công nghệ. Kết quả này là động lực để các bạn tiếp tục xây dựng những dự án cộng đồng sau này, đồng thời là hành trang để các bạn phát triển công việc và sự nghiệp trong tương lai.