Sinh viên bào chế thuốc giảm đau từ lá đắng

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) bào chế thuốc từ lá đắng giúp giảm đau, kháng viêm hiệu quả.

Sản phẩm thuốc giảm đau từ lá đắng của nhóm nghiên cứu.
Sản phẩm thuốc giảm đau từ lá đắng của nhóm nghiên cứu.

Sau thử nghiệm thành công, nhóm hy vọng sẽ phát triển được sản phẩm.

Thuốc giảm đau đầu tiên từ lá đắng

Thuốc giảm đau từ cây lá đắng là sản phẩm của ba sinh viên Phạm Huỳnh Thanh Bảo, Phạm Thị Ngọc Anh và Hoàng Thúy Hiền, Khoa Dược, Trường Đại học Lạc Hồng.

Nước ta có nhiều người sử dụng cây lá đắng để điều trị đau nhức, giảm sưng viêm. Do đó, đề tài tiến hành nghiên cứu khảo sát tác động giảm đau và kháng viêm của cây Lá đắng Vernonia amygdalina Del. được thu hái tại Biên Hòa, Đồng Nai.

Tìm hiểu thị trường, nhóm nhận thấy trong nước chưa có chế phẩm giảm đau, kháng viêm từ lá đắng. Kinh nghiệm dân gian sử dụng lá đắng sắc nước uống để chữa bệnh đau cơ xương khớp, nhưng nhóm cho rằng hiệu quả không cao.

Theo Phạm Huỳnh Thanh Bảo, trưởng nhóm, bào chế viên nén từ lá đắng thuận tiện khi dùng, có tính an toàn, hiệu quả so với sử dụng thuốc tây và kinh nghiệm dân gian. Bởi vì khi dùng thuốc tây điều trị hiệu quả nhanh nhưng có các tác dụng phụ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, tim mạch, thận...

Bắt tay vào nghiên cứu từ tháng 1/2019, ba thành viên nhóm thu hoạch lá đắng ở xung quanh trường và TP Biên Hòa. Lá đắng được phơi, xay, xác định thành phần hóa học. Bột từ lá đắng được nhóm chiết tách trên cao toàn phần, cao phân đoạn và hợp chất flavonoid từ cao ethyl acetat để bào chế viên nén chứa cao lá đắng.

Thử nghiệm trên chuột nhắt trắng, trọng lượng 20 - 30g, trên cao toàn phần và phân đoạn của lá đắng trong vòng một tuần, cho tác dụng giảm đau, kháng viêm tương đương thuốc paracetamol liều 50 mg/kg và ibuprofen liều 7,5 mg/kg.

Tác dụng kháng viêm, các liều cao đã đưa thể tích chân chuột sau khi gây viêm trở về thể tích chân sinh lý. Nhóm kết luận cao nước lá đắng có tác động kháng viêm, tương đồng tác dụng giảm đau thuốc đối chứng paracetamol liều 50 mg/kg.

Về tác dụng giảm đau, cao nước lá đắng liều 2.500 mg/kg làm giảm số lần đau quặn có ý nghĩa so với lô chứng dương không điều trị ở cả 3 khoảng thời gian khảo sát. Số lần đau quặn có giảm so với lô paracetamol liều 50 mg/kg ở cả 3 khoảng thời gian khảo sát và có ý nghĩa thống kê ở khoảng thời gian 20 - 25 phút.

Muốn phát triển sản phẩm thành thuốc

Cây Lá đắng hay còn gọi là cây Mật gấu nam đã được sử dụng từ lâu trong dân gian để chữa nhiều bệnh khác nhau như trị đau nhức, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, ngừa ung thư… Nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố các tác dụng của dịch chiết Vernonia amygdalina Del. như tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm, chống nôn của dịch chiết aceton, tác dụng chống ung thư vú. Tuy nhiên, các nghiên cứu về tác dụng dược lý của lá đắng vẫn chưa được công bố nhiều tại Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu kết luận, cao nước lá đắng Vernonia amygdalina Del. được chia làm 3 liều 2.500 mg/kg, 1.000 mg/kg và 500 mg/kg có tác động kháng viêm và giảm đau ngoại biên, tương đương với những thuốc đối chiếu phổ biến trên thị trường như ibuprofen 7,5 mg/kg và paracetamol 50 mg/kg.

Hiện tại chưa có nhiều công bố về nghiên cứu tác dụng dược lý của cây lá đắng tại Việt Nam, nên cần mở rộng các hướng nghiên cứu vì cây lá đắng có tiềm năng ứng dụng tốt trong điều trị.

Hiện, nhóm đã bào chế viên nén chứa cao lá đắng. Thành phần thuốc có tỷ lệ 75% cao lá đắng, còn lại nhóm sử dụng một số dược chất, phụ gia để tăng hiệu quả sử dụng.

Nhóm nghiên cứu cho biết, trong hơn 3 năm nghiên cứu công đoạn khó nhất là thử tác dụng giảm đau của cao toàn phần và cao phân đoạn lá đắng trên chuột nhắt trắng. Nếu cao không có hoạt tính thì công trình xem như thất bại.

Quá trình này nhóm mất nhiều thời gian thực hiện nhất vì phải chăm sóc chuột, nếu chúng bị chết phải nuôi lại và bắt đầu từ đầu. “Nhóm phải phân chia nhau để cho chuột ăn, uống nước và theo dõi tác dụng của thuốc trên chuột hàng ngày”, Bảo nhớ lại.

Với những kết quả ban đầu, Bảo kỳ vọng sản phẩm của nhóm giúp ngành dược thêm một lựa chọn mới trong điều trị giảm đau, kháng viêm ở các bệnh cơ xương khớp. Quy trình của nhóm khá tinh gọn, các thiết bị tương đồng với quy mô sản xuất nên khả năng nâng cấp lên cỡ lô lớn tương đối dễ dàng.

Cây lá đắng phổ biến, dễ trồng giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển nguồn dược liệu địa phương. Nhóm sẵn sàng chuyển giao công nghệ, đăng ký dưới dạng thực phẩm chức năng bảo vệ sức khẻ góp phần phòng và hỗ trợ điều trị bệnh nhân đau cơ xương khớp. “Tương lai nhóm muốn phát triển sản phẩm thành thuốc nếu có sự hỗ trợ của các bên”, Bảo nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

GD&TĐ - Chiến lược gia Hàn Quốc Park Hang-seo ‘gửi gắm’ tương lai vươn tầm châu lục của bóng đá Việt Nam cho đàn em đồng hương Kim Sang-sik.