Các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy hiệu quả của thuốc được duy trì trong một thời gian dài ngay cả sau khi thuốc đã được đào thải ra khỏi cơ thể. Baldomera Olivera, giáo sư sinh học tại Đại học Utah (Mỹ) và các đồng nghiệp của ông đã chú ý đến loài nhuyễn thể Conus regius sống trong vùng biển Caribbean.
Cũng giống như các thành viên khác của họ nhuyễn thể, Conus regius là động vật ăn thịt, biết cách làm tê liệt con mồi bằng chất độc. Các nhà khoa học đã xác định được một trong các thành phần của nọc độc là chất Rg1A tác động đến các thụ thể đau, mà thuốc giảm đau opioid không tác động được.
Các thí nghiệm ở loài gặm nhấm cho thấy Rg1A tác động tới các thụ thể nicotinic acetylcholine chịu trách nhiệm truyền xung thần kinh qua các khớp thần kinh và ngăn chặn việc truyền các tín hiệu đau.
Mặc dù hợp chất này hoàn toàn được đào thải ra khỏi cơ thể của chuột trong vòng 4 giờ, nhưng các nhà nghiên cứu tìm thấy rằng tác dụng của thuốc kéo dài ít nhất 72 giờ.
Các nhà nghiên cứu đã bào chế được khoảng 20 chất tổng hợp tương tự nhưng RgIA4 hứa hẹn nhất, vì cấu trúc của nó thích hợp nhất với hệ thống thần kinh ở người.
Baldomera Oliver và các đồng nghiệp của ông hy vọng sẽ bắt đầu thử nghiệm tiền lâm sàng chất RgIA4 như thuốc giảm đau, kiểm tra an toàn và hiệu quả của nó. Nếu thành công, nó có thể trở thành một loại thuốc giảm đau mới, hiệu quả, đặc biệt không gây nhờn thuốc.