Tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương ngày 26/9, có ý kiến cho rằng giá các bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nước ngoài có thể giảm xuống mức 1,5 USD/1 test nếu mua số lượng lớn tới 100 triệu bộ.
Cũng ý kiến này sau đó bổ sung thông tin rằng nếu tính chi phí về đến Việt Nam (kể cả tiền kho bãi và các chi phí khác) mỗi test sẽ có giá khoảng 50.000 đồng.
Thông tin này đã thu hút sự chú ý của dư luận và chúng tôi cũng đã liên hệ nhiều đầu mối tại các thị trường châu Âu và Hoa Kỳ để xác nhận thông tin.
Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy có sản phẩm xét nghiệm nhanh được chứng nhận chất lượng và cấp phép lưu hành tại các thị trường này với mức giá nêu trên.
Trên thực tế, như báo chí đã nhiều lần phản ánh, chất lượng các loại hoá chất, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 trên thị trường thế giới hiện nay đang hết sức đa dạng.
Cũng tại thị trường châu Âu đang tồn tại rất nhiều loại xét nghiệm nhanh kháng nguyên có nguồn gốc Trung Quốc nhưng lại được đăng ký nhãn hiệu châu Âu.
Các sinh phẩm dạng này thường có chất lượng không cao và giá thành rẻ hơn so với mặt bằng chung, tuy nhiên các chương trình mua sắm của chính phủ các nước phát triển thường không lựa chọn loại sinh phẩm này do lo ngại về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Giá cả các sinh phẩm xét nghiệm nhanh trên thị trường quốc tế cũng có nhiều biến động mang tính thời điểm.
Vào những đợt cao điểm bùng phát dịch trên toàn cầu, khi nguồn cung khan hiếm, các nhà cung cấp thường đưa ra mức giá cao hơn nhưng vẫn không có đủ nguồn hàng để cung ứng cho thị trường.
Ngược lại, khi năng lực sản xuất đã được mở rộng như hiện nay, kết hợp với tỉ lệ bao phủ vaccine ngày một gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, dễ hiểu vì sao mặt bằng giá chung của các kit xét nghiệm nhanh đang đi xuống.
Tuy nhiên, như đã đề cập, vẫn chưa có thông tin chính xác về các loại sinh phẩm chất lượng cao được bán với giá thấp như phát biểu nêu trên.
Có lẽ nguồn tin mà ý kiến nêu trên đưa ra được tham khảo liên quan tới giá bán sinh phẩm xét nghiệm nhanh đã được chính phủ trợ giá ở một số thị trường.
Tại các nước phát triển như Anh, Đức, Pháp… thậm chí chính phủ còn có chương trình tặng kit xét nghiệm nhanh miễn phí định kỳ hàng tuần để người dân có thể tự sử dụng tại nhà.
Các điểm xét nghiệm cũng cung cấp dịch vụ tầm soát miễn phí cho người dân hàng tuần. Trong những trường hợp này, giá sinh phẩm và dịch vụ xét nghiệm không phù hợp để lấy làm cơ sở tham khảo về mặt thương mại.
Tại Việt Nam, để khắc phục tình trạng lộn xộn, chất lượng không đồng đều giữa các loại xét nghiệm trên thị trường (trong đó có nhiều sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc nhưng đội lốt thương hiệu châu Âu), đồng thời nhằm tiết kiệm chi phí và sẵn sàng về cơ số vật tư, sinh phẩm xét nghiệm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp nhu cầu dự kiến đến hết năm 2021 từ các địa phương trên toàn quốc.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã nhiều lần tổ chức họp trực tuyến và mời các nhà sản xuất uy tín trên thế giới trực tiếp báo giá ưu đãi cho Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã gửi văn bản mời các nhà cung cấp có sản phẩm test nhanh kháng nguyên và RT-PCR được cấp phép lưu hành tại Việt Nam (bao gồm cả sản phẩm nhập khẩu và sản xuất trong nước) gửi báo giá kèm theo điều kiện thanh toán và số lượng tối đa có thể cung cấp, và đã tổng hợp được số liệu từ giữa tháng 9/2021.
Sau khi tiếp nhận thông tin này từ Bộ Y tế, nhằm chủ động hỗ trợ đất nước, một số doanh nghiệp lớn, uy tín trong nước đã tiếp tục đàm phán, mua sẵn lượng lớn sinh phẩm xét nghiệm với giá thấp nhất để hỗ trợ các địa phương trên tinh thần phi lợi nhuận.
Tới nay, đã có tới hàng chục triệu kit xét nghiệm chất lượng cao được đàm phán và mua sẵn từ các nhà sản xuất uy tín trên thế giới với mức giá tốt hơn rất nhiều so với mặt bằng tại thị trường Việt Nam, trong đó giá sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên sản xuất tại châu Âu có giá chỉ còn chưa tới 50.000 đồng /1 test nhờ trợ giá của doanh nghiệp.
Vấn đề là dù đã có thông tin đó nhưng nhiều địa phương còn lúng túng hoặc ngại tiếp cận nguồn sinh phẩm chất lượng cao theo hình thức xã hội hoá này.
Để thực sự làm chủ được tình hình, các địa phương không thể thụ động, chỉ trông chờ mãi vào nguồn tài trợ của Chính phủ và doanh nghiệp như thời gian vừa qua, mà cần phải tính toán nhu cầu, số lượng sinh phẩm xét nghiệm từ nay đến hết 2021 và chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm, phục vụ nhu cầu trước mắt và dự trữ cho các tình huống phát sinh trong dài hạn.
Về phía Chính phủ và Bộ Y tế , ngoài việc tiếp tục kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tài trợ và tham gia mua sắm, cung cấp sinh phẩm xét nghiệm theo hình thức xã hội hoá và phi lợi nhuận để giúp ngành y tế giảm tải gánh nặng và áp lực về nguồn cung thì cũng cần phải có biện pháp tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp tham gia không bị rơi vào tình huống “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” do chưa có cơ chế thuận lợi để đưa được sản phẩm đến với các địa phương vốn đang rất cần nguồn sinh phẩm quý giá này, dù doanh nghiệp tham gia cung ứng hoàn toàn trên tinh thần phi lợi nhuận.
Đương nhiên, ngoài giá cả, vì xét nghiệm là khâu then chốt, cần được thực hiện nhanh, đảm bảo kết quả chính xác, nên các sinh phẩm xét nghiệm cũng phải có chất lượng tốt nhất. Do đó, Bộ Y tế cần có hướng dẫn rõ ràng về tiêu chí chất lượng đối với các chương trình mua sắm, đấu thầu có liên quan.
Nên ưu tiên cho các loại hoá chất, sinh phẩm, vật tư có nguồn gốc từ các nước phát triển, các nước G7 nếu giá thành hợp lý, không cao hơn so với mặt bằng thị trường hiện nay. Cần tránh mua các sản phẩm giá rẻ nhưng độ nhạy, độ đặc hiệu không cao, dễ dẫn tới sai sót trong kết quả xét nghiệm.
Đối với xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR, cần ưu tiên các sinh phẩm có ngưỡng giới hạn phát hiện tốt, điều kiện bảo quản thuận lợi (không cần nhiệt độ âm sâu), thời hạn sử dụng lâu (từ 12 tháng trở lên), thời gian cho kết quả nhanh (dưới 1 tiếng), tương thích với nhiều loại máy móc, thiết bị sẵn có tại Việt Nam, và đặc biệt cần phát hiện được 2 tới 3 gen mục tiêu để làm tăng độ tin cậy của kết quả chẩn đoán, nhất là đối với các biến thể mới như Delta, Mu (nhiều sinh phẩm ở Việt Nam hiện nay chỉ phát hiện được 1 gen).
Như vậy có thể thấy trên thực tế ngoài một số ít đơn vị làm ăn chộp giật, có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để trục lợi thì cũng có những doanh nghiệp lớn, uy tín đã và đang đồng hành cùng Chính phủ và Bộ Y tế trong việc đảm bảo nguồn cung ứng sinh phẩm xét nghiệm chất lượng có giá thành hợp lý nhất ở thời điểm hiện tại.
Bước triển khai tiếp theo lệ thuộc vào động thái của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn, tạo cơ chế thuận lợi để chương trình xã hội hoá phi lợi nhuận này nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Trong thời điểm hiện nay khi cả nước đang cần một lượng lớn sinh phẩm, hoá chất xét nghiệm, bao gồm cả các sản phẩm test nhanh kháng nguyên chất lượng cao với mức giá hợp lý nhất, các phát biểu đóng góp là rất đáng trân trọng, xuất phát từ ý tốt cho đất nước.
Tuy nhiên, cũng cần rút kinh nghiệm vì nếu phát ngôn không rõ ràng, chưa bám sát thực tiễn và thiếu dẫn chứng cụ thể sẽ khiến các địa phương hoang mang, ảnh hưởng tới quyết định mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, gây tác động tiêu cực tới chiến lược thần tốc xét nghiệm và nỗ lực phòng chống dịch chung của cả nước.