Singapore: Giáo dục giới tính theo chương trình của Bộ Giáo dục

GD&TĐ - Các trường tại Singapore thường tổ chức lớp học về giáo dục giới tính cho học sinh thông qua hội thảo với cố vấn bên ngoài, nhân viên xã hội hoặc các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục nước này đã yêu cầu các trường thực hiện chương trình theo chỉ đạo từ Bộ, thay vì hợp tác với các tổ chức bên ngoài.

Các HS THCS tại một trường học ở Singapore
Các HS THCS tại một trường học ở Singapore

Hợp tác với Bộ Giáo dục

Những năm gần đây, số lượng các trường hợp tác với tổ chức bên ngoài nhằm GD giới tính cho HS đang ngày càng giảm. Thay vào đó, nhiều tổ chức GD lựa chọn tham gia chương trình của Bộ Giáo dục Singapore (MOE). Phát biểu trước quốc hội năm 2015, Bộ trưởng thứ 2, Bộ Giáo dục Singapore, bà Indranee Rajah cho biết, chỉ có 7 trường tại nước này hợp tác với 4 tổ chức bên ngoài để triển khai chương trình GD giới tính cho HS.

Bà Choy Wai Yin, Giám đốc chi nhánh hướng dẫn bộ giáo trình phát triển HS của MOE, khẳng định: “Phần lớn các trường đều cho rằng, chương trình GD giới tính của MOE có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của HS. Do HS ngày nay có xu hướng tìm gặp và tâm sự với giáo viên, thậm chí là cả các vấn đề nhạy cảm hoặc cá nhân, giáo viên có thể hỗ trợ họ tốt hơn và giúp quản lý các mối quan tâm của người học, kể cả về vấn đề tình dục”.

PGS Jason Tan thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách và Lãnh đạo của Học viện GD Quốc gia (NIE) nhận định, các trường ngừng phối hợp với nhà cung cấp bên ngoài vì “những tổ chức này khó kiểm soát hơn”. Năm 2014, một SV của Viện Hwa Chong đã viết thư cho hiệu trưởng nhằm chỉ trích chương trình “Tập trung vào Gia đình” (FOTF) của một tổ chức bên ngoài do phân biệt giới tính và định kiến giới. Vụ việc đã khiến các cựu SV của Viện Hwa Chong thực hiện bản kiến nghị, kêu gọi nhà trường đình chỉ chương trình này. Trước làn sóng phản đối, MOE khẳng định, hội thảo này không thuộc chương trình GD giới tính của bộ, dù đã được MOE chấp thuận trước đó; đồng thời tuyên bố sẽ cho “ngừng hoạt động” chương trình vào cuối năm 2014.

Trước khi xảy ra vụ việc, các trường từng có quyền tự thuê các tổ chức bên ngoài đào tạo về GD giới tính cho HS. Theo trang web của MOE, để một nhà cung cấp chương trình GD giới tính được phê duyệt, họ phải đáp ứng các tiêu chí khác nhau như: Không ủng hộ bất kỳ tôn giáo nào trong chương trình; Nội dung của chương trình nên tránh liên quan đến vấn đề nhạy cảm: Sắc tộc, giới tính, tôn giáo; Người đào tạo cần có kiến thức chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến tình dục cũng như có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dịch vụ xã hội, y tế, GD hoặc tư vấn.

Giáo viên đóng vai trò quan trọng

Bà ChoyWai Yin cho biết, MOE thực hiện đánh giá thường xuyên về chương trình GD giới tính để bảo đảm rằng, các bài học vẫn còn hiện hành và phù hợp với xu hướng mới. “Chúng tôi đã cập nhật bài học từ phim truyện và các nghiên cứu trường hợp thực tế, nhằm giải quyết rủi ro trực tuyến như các hiểm họa trên mạng xã hội và quấy rối tình dục”, bà nói thêm.

Bà Mohana Ratnam - người có 15 năm kinh nghiệm đào tạo về GD giới tính trong trường học, cho biết chương trình GD về tình dục là một cách “khéo léo và linh hoạt” và phải “đáp ứng theo nhu cầu thay đổi của xã hội”. Bà Mohana cũng giải thích, chương trình có 3 lĩnh vực chính: Giúp HS học các kỹ năng xã hội và cảm xúc để hiểu bản thân và xây dựng những mối quan hệ lành mạnh; Tích hợp các kỹ năng này với kiến thức chính xác và phù hợp với lứa tuổi tình dục; Cha mẹ đóng vai trò chính trong việc GD giới tính cho con.

Bà Mohana cho biết, MOE nhận thức rõ rằng, môi trường của các thanh thiếu niên đang không ngừng thay đổi và đặc biệt là chịu ảnh hưởng lớn từ mạng xã hội. “Chúng tôi thừa nhận rằng, HS nghe, nhìn thấy mọi thứ khi sử dụng mạng xã hội. Chúng tôi muốn bảo đảm bảo rằng, các em được tiếp cận với những thông tin chính xác”, bà nhấn mạnh. Bà Mohana cũng nhận định, giáo viên là những người “khá chuyên nghiệp” và có thể phản hồi nhanh chóng với các tin tức trên mạng xã hội trong các lớp GD tính cách và quyền công dân (CCE), trong đó có cả các giáo trình GD giới tính.

Bên cạnh đó, trang web của MOE cũng kêu gọi, việc tránh quan hệ tình dục trước khi kết hôn là hành động tốt nhất cho thanh thiếu niên. “GD giới tính dạy cho HS biện pháp tránh thai, hậu quả của quan hệ tình dục trước hôn nhân và phòng ngừa các bệnh từ góc độ sức khỏe”, tuyên bố từ MOE cho biết. Theo trang web, giáo trình cũng sẽ dạy cho HS biết đồng tính là gì, những quy định pháp luật hiện hành tại Singapore liên quan đến đồng tính.

Giảng viên Yvonne nhận định, việc nêu rõ hậu quả và rủi ro chính là cách hiệu quả nhất để can ngăn HS của mình khỏi quan hệ tình dục trước hôn nhân. “Khi họ có phạm vi kiến thức về cái giá của việc mang thai ngoài ý muốn, điều này sẽ trở thành hồi chuông cảnh tỉnh các HS trưởng thành. Thật không may, nhiều người học không biết cách tránh thai, hoặc chỉ nghĩ đơn giản là nam giới sẽ tự có các biện pháp phòng tránh thay vì nữ giới”, nữ giảng viên chia sẻ. Yvonne khẳng định, trong rất nhiều chủ đề được đề cập trong bài học GD giới tính, chất lượng của cuộc thảo luận trên lớp phụ thuộc vào việc giáo viên có thoải mái trao đổi với HS về vấn đề đó hay không.

Một giảng viên khác có tên Janet cho biết, kiến thức truyền đạt tới HS hầu hết đều xuất phát từ quan điểm riêng của giáo viên, thay vì những gì được hiển thị trên màn hình. “Một số giáo viên chỉ bám vào các bản trình chiếu vì họ sợ phải chia sẻ quá nhiều. Trái lại, một số người lại rất cởi mở để chia sẻ, và khiến cuộc thảo luận trên lớp học trở nên sôi nổi. Tôi nghĩ rằng, điều này phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên và sự năng động của HS”.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ