Kế hoạch trang bị mới cho hạm đội tàu ngầm Nga được ông Alexei Rakhmanov, Tổng giám đốc của Tập đoàn đóng tàu Nhà nước Nga United Shipbuilding Corporation (USC) cho biết hôm 19/3:
"Trước khi kết thúc năm 2023, Hải quân Nga sẽ được tăng cường khả năng chiến đấu bằng 5 chiếc tàu ngầm, trong đó có 3 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân và 2 chiếc chạy bằng động cơ diesel".
Giám đốc của USC tiết lộ thêm rằng, năm 2022, Hải quân nước này đã được tiếp nhận siêu tàu ngầm Belgorod mang ngư lôi hạt nhân Poseidon đầu tiên. Chiếc thứ 2 mang vũ khí hủy diệt này là Khabarovsk cũng nằm trong số 5 chiếc tàu ngầm được đưa vào trang bị trong năm 2023.
Đánh giá về Khabarovsk và siêu vũ khí Poseidon tàu ngầm này mang theo, tờ Forbes cho rằng, đây là cặp vũ khí sẽ giúp Hải quân Nga thống trị biển cả và có thể định hình cuộc chiến ngầm trong tương lai.
Theo báo Mỹ, Khabarovsk có nhiều yếu tố giống với Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Borei. Điều này sẽ giảm chi phí và cũng khiến nó có khả năng tàng hình tốt hơn nhiều tàu ngầm khác đang phục vụ cho Hải quân Nga.
Trong mỗi chuyến đi biển, con tàu này có thể mang tối đa 6 ngư lôi hạt nhân Poseidon, điều khiến nó trở thành một biến thể tàu ngầm độc đáo và có sức tấn công mạnh nhất thế giới hiện nay.
Poseidon có phạm vi hoạt động gần như không giới hạn. Do đó, nó sẽ đặt ra một mối đe dọa cho các thành phố ven biển của Mỹ như New York và Los Angeles. Ngoài ra, đây còn là vũ khí đa năng bởi có thể nhắm vào các nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ.
Điều khiến giới quân sự Mỹ và phương Tây lo ngại là Khabarovsk sẽ không phải là tàu ngầm trang bị Poseidon cuối cùng. Hai tàu ngầm Dự án 09853 đang được Nga lên kế hoạch đóng mới giúp hạm đội Nga sở hữu được 4 tàu ngầm mang theo siêu ngư lôi Poseidon.
Trừ khi có sự thay đổi trong kế hoạch của Nga, nếu không Khabarovsk vẫn có thể sẽ là một trọng tâm mới của hoạt động tác chiến chống tàu ngầm phương Tây, đặc biệt là nhắm tới Hải quân Mỹ và Anh – các lực lượng thường bám sát hoạt động của tàu Nga.
Những chiếc tàu ngầm được trang bị Poseidon sẽ trở thành những thách thức mới không chỉ với Mỹ và Anh mà còn đối với bất kỳ lực lượng nào coi Nga là đối thủ. Bởi việc chế tạo vũ khí mới có thể đối phó với Poseidon sẽ mất nhiều thời gian và tiền của nhưng chưa chắc đã hiệu quả.
Chính vì vậy, Forbes cho rằng, cứ mỗi chiếc tàu ngầm mang Poseidon được trang bị mới cho Hải quân Nga điều đó đồng nghĩa với mối nguy hiểm nhằm vào Mỹ và phương Tây cũng đồng thời tăng theo.