Siêu máy bay tàng hình giúp Mỹ chiếm ưu thế trên không

GD&TĐ -Không quân Mỹ vừa tiếp tục công bố hình ảnh thật của siêu oanh tạc cơ tàng hình B-21 Raider cùng sức mạnh tấn công.

Máy bay tàng hình B-21 Raider.
Máy bay tàng hình B-21 Raider.

Theo Thiếu tướng Jason Armagost, Giám đốc phụ trách các hoạt động và thông tin liên lạc của Bộ chỉ huy Tấn công Toàn cầu - Không quân Mỹ, lực lượng này có kế hoạch mua 100 máy bay B-21 với đơn giá dự kiến rơi vào khoảng 700 triệu USD/chiếc để thay thế cho các phi đội B-1B và B-2 Spirit.

Hiện nay quá trình phát triển B-21 được Tập đoàn Northrop cùng Không quân Mỹ đẩy nhanh bằng cách sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong thiết kế, chế tạo và thử nghiệm hầu hết các thành phần quan trọng trước khi sản xuất vật lý. Công nghệ kỹ thuật số cũng được tích hợp vào chương trình duy trì hoạt động của oanh tạc cơ này.

Đây là loại máy bay ném bom công nghệ cao mới, dự kiến sẽ thay thế hoặc bổ sung cho phi đội B-52, B-1B và B-2 Spirit đã cũ kỹ của Không quân Mỹ, và cũng là thiết kế máy bay ném bom mới đầu tiên của Mỹ sau 30 năm.

B-21 được thiết kế để có tầm bắn xa, khả năng sống sót cao và có thể mang cả vũ khí hạt nhân và thông thường – đóng vai trò là một phần quan trọng trong bộ ba hạt nhân Mỹ.

Ngoài việc là vũ khí quan trọng trong năng lực răn đe hạt nhân của Mỹ, B-21 còn là một phần của dự án qui mô lớn hơn đang được phát triển để phục vụ sứ mạng tấn công tầm xa thông thường, giám sát và trinh sát, tấn công điện tử và liên lạc.

Oanh tạc cơ tàng hình mới là một thiết kế hướng tới tương lai, với kiến trúc mở để tích hợp các gói nâng cấp và hiện đại hóa trong tương lai, cho phép máy bay đối phó với các mối đe dọa mới xuất hiện.

Sự phát triển của B-21 là cần thiết do nhu cầu về một thiết kế mới để nâng cấp phi đội máy bay ném bom của Mỹ, cải thiện năng lực phòng không và hướng tới cạnh tranh sức mạnh cường quốc. Cho đến nay, B-52 được đưa vào phục vụ từ vào năm 1955 vẫn là trụ cột trong phi đội máy bay ném bom của Không quân Mỹ.

Mặc dù nó đã được nâng cấp hệ thống tác chiến điện tử, khoang chứa vũ khí bên trong, đạn dược, động cơ, thông tin liên lạc và có thể tiếp tục hoạt động đến khoảng năm 2050, nhưng nhu cầu về một nền tảng phi cơ ném bom mới là không thể phủ nhận.

Đặc biệt là kể từ khi các hệ thống phòng không được cải thiện đáng kể, hệ thống S-400 của Nga được tuyên bố là có thể bắn hạ tiêm kích tàng hình mới nhất F-35 của Mỹ. Vì thế, B-21 được kỳ vọng sẽ khôi phục năng lực ném bom Mỹ trong một cuộc xung đột lớn tiềm tàng.

Chuyên gia Malcolm Davis từ Viện Chính sách Chiến lược Australia cho rằng: "B-21 là (vũ khí) của thế kỷ 21 xét về mọi khía cạnh, có khả năng tàng hình, hệ thống điện tử, cảm biến và động cơ vượt trội. B-21 có thiết kế mở, vì vậy… nó có thể dễ dàng được nâng cấp cả về phần mềm và phần cứng.

B-21 nhỏ hơn B-2 Spirit một chút, nhưng hãy nhớ rằng... điều quan trọng nhất là hiện có khả năng xâm nhập các mạng lưới chống tiếp cận và xâm nhập (A2/AD) của Nga và một số đối thủ khác mà không bị phát hiện, do đó có thể triển khai thêm các loại vũ khí tối tân".

Được biết, máy bay ném bom chiến lược tầm xa là một trong ba mũi nhọn của đòn tấn công răn đe hạt nhân trong học thuyết quân sự của Mỹ. Hai mũi còn lại gồm các phương tiện phóng vũ khí hạt nhân từ mặt đất như các xe phóng di động và trên biển như tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ