Vụ án liên quan Ngân hàng TMCP Việt Á:

'Siêu lừa' chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng thế nào?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Do làm ăn thua lỗ, để có tiền kinh doanh, bị can Nguyễn Thị Hà Thành câu kết với đồng phạm dùng hành vi gian dối chiếm đoạt tiền của 3 ngân hàng.

Toàn cảnh phiên toà xét xử vụ án ngày 26/12/2022. Ảnh: Hoàng Lam
Toàn cảnh phiên toà xét xử vụ án ngày 26/12/2022. Ảnh: Hoàng Lam

Được sự giúp sức của nhiều cán bộ Ngân hàng TMCP Việt Á, Nguyễn Thị Hà Thành đã dùng thủ đoạn gian dối thực hiện hàng chục vụ lừa đảo, chiếm đoạt của ngân hàng này gần 274 tỷ đồng.

Cán bộ VAB “cõng rắn cắn gà nhà”

Theo dự kiến, ngày 9/3, TAND Hà Nội sẽ đưa bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (38 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng 25 bị cáo khác ra xét xử sơ thẩm trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Trong vụ án, hàng loạt cựu nhân viên của các ngân hàng: Ngân hàng Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB)… cũng bị truy tố với cáo buộc có sai phạm liên quan đến những phi vụ lừa đảo của bị can Nguyễn Thị Hà Thành.

Vụ án liên quan đến Nguyễn Thị Hà Thành đã kéo dài hơn 4 năm, tòa án từng 2 lần đưa ra xét xử nhưng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Viện KSND Hà Nội cũng nhiều lần trả hồ sơ vụ án.

Theo cáo trạng, giai đoạn 2016 - 2018, do làm ăn thua lỗ và để có tiền kinh doanh, bị can Nguyễn Thị Hà Thành câu kết với đồng phạm dùng hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của các ngân hàng trong đó có VAB.

Cụ thể, tại VAB, Thành tìm những người có tiền để vay với lãi suất cao, hoặc rủ rê hợp tác làm ăn. Do Thành không có tài sản đảm bảo nên không thể đề nghị những người này đưa tiền trực tiếp cho Thành mà nghĩ cách để họ gửi tiền vào VAB (gửi tiền tiết kiệm rồi đưa sổ cho Thành quản lý, gửi tiết kiệm với hình thức đồng sở hữu hoặc gửi vào tài khoản công ty rồi phong toả lại, chỉ có người cho vay mới có quyền rút khi đến hạn) sau đó dùng thủ đoạn gian dối để vay ra hoặc rút tiền sử dụng.

Để thực hiện ý định này, qua mối quan hệ xã hội, Thành tìm cách tiếp cận với Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận Quan hệ khách hàng doanh nghiệp Phòng giao dịch Đông Đô - VAB).

Thành bàn với Thu Hương nói với Quản Trọng Đức việc Thành sẽ cùng đồng sở hữu gửi số lượng tiền lớn vào VAB, ngay sau khi gửi sẽ cầm cố sổ tiền gửi để vay tiền ngân hàng.

Do sổ tiết kiệm đã được cầm cố tại ngân hàng nên Thành cần có 1 loại giấy tờ để chứng minh tài chính khi đi quan hệ xin dự án. Thu Hương đề xuất với Đức, ngoài việc phát hành 1 sổ tiết kiệm đồng sở hữu theo quy định của ngân hàng, sẽ phát hành thêm “Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn” và “Giấy đề nghị phong tỏa”. Nếu đồng ý với yêu cầu thì Thành mới cùng đồng sở hữu gửi tiền.

Quản Trọng Đức và một số nhân viên VAB đã giúp sức cho Thành trong tất cả các khâu từ khi gửi tiền tiết kiệm, thẩm định hồ sơ vay, nhận tiền giải ngân và tất toán khoản vay một cách thuận lợi, giúp Thành chiếm đoạt được tiền từ VAB.

Tại khâu gửi tiền tiết kiệm, Quản Trọng Đức đồng ý cho Thu Hương soạn thảo và phát hành 2 văn bản Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn” và Giấy đề nghị phong tỏa theo yêu cầu của Thành và giao giấy tờ trên cho khách hàng kèm “Giấy gửi tiền tiết kiệm, phiếu thu (chứng từ chỉ lưu hành nội bộ) để người đồng sở hữu tin tưởng về sự an toàn của khoản tiền gửi tại VAB.

Giúp sức tối đa cho “siêu lừa”

Nguyễn Thị Hà Thành tại phiên toà xét xử ngày 26/12/2022. Ảnh: Hoàng Lam

Nguyễn Thị Hà Thành tại phiên toà xét xử ngày 26/12/2022. Ảnh: Hoàng Lam

Do VAB chỉ áp dụng hình thức hợp đồng trung gian cho khách hàng doanh nghiệp, không áp dụng cho khách hàng cá nhân nên Đức và Thu Hương lấy 2 biểu mẫu trên từ mẫu văn bản dành cho khách hàng doanh nghiệp.

Đức tự ý chỉnh sửa một số nội dung thông tin từ khách hàng doanh nghiệp thành nội dung thông tin khách hàng cá nhân, giao cho Thu Hương soạn thảo một mình, không cho nhân viên khác biết rồi đưa Đức ký, đóng dấu.

Sau đó, Thu Hương tự đánh số văn bản và không đưa vào hệ thống để quản lý, lưu trữ. Quản Trọng Đức phổ biến với các nhân viên về việc Nguyễn Thị Hà Thành là khách hàng VIP, phải hỗ trợ tối đa.

Người đồng sở hữu với Thành sẽ được đưa cho “Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn”, “Giấy đề nghị phong tỏa” và giải thích do ngân hàng đã phong tỏa “Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn” nên nếu không có mặt cả 2 người đồng sở hữu thì không thể rút tiền ra.

Thu Hương và Thành không nói với người đồng sở hữu biết việc VAB đã phát hành sổ tiết kiệm cho khoản tiền gửi này. Sau khi gửi tiền, người đồng sở hữu với Thành được Thu Hương đưa cho giữ 1 bộ hồ sơ tiền gửi để làm tin và ra về.

Với mục đích để người đồng sở hữu tin tưởng, qua Thu Hương, Thành đặt vấn đề nhờ Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô - VAB) vay “nóng” tiền hộ, Thành sẽ trả lãi cao và được đồng ý.

Quỳnh Hương nói với những khách hàng của mình cho Thành vay và sẽ trả trong ngày. Dù không biết Thành là ai, song Quỳnh Hương đứng ra bảo lãnh nên nhiều người đã đồng ý cho vay.

Nhiều trường hợp khi chưa vay được tiền, Quỳnh Hương đã nói với giao dịch viên, thủ quỹ… lập và ký trước chứng từ nộp tiền mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu trong đó có số tiền của Thành mà Quỳnh Hương dự định sẽ vay.

Hợp đồng tiền gửi và các chứng từ kèm theo của bộ hồ sơ tiền gửi này, Thu Hương, Thành đưa cho người đồng sở hữu giữ để làm tin. Sau khi người đồng sở hữu ra về, Quỳnh Hương, Thu Hương nói với giao dịch viên, thủ quỹ không vay được tiền cho Thành và chỉ đạo lập lại các chứng từ mở sổ tiết kiệm chỉ bằng số tiền do người đồng sở hữu đem đến ngân hàng.

Để vay được tiền tại VAB, Thành đề nghị đại diện chi nhánh ngân hàng ký các loại giấy tờ, giấy xác nhận tạm khóa tài khoản. Sau đó, Thành giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu trên giấy đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng hay hợp đồng cầm cố số dư tiền gửi... Qua đó, Thành đã chiếm đoạt của VAB gần 274 tỷ đồng và 63 tỷ đồng của 4 cá nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ