Đại án Huỳnh Thị Huyền Như là một trong những vụ án kinh tế lớn nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Vụ án có 23 bị cáo. Số tiền bị siêu lừa này chiếm đoạt lên tới gần 4.000 tỉ đồng.
Tổng số tiền phải thi hành án trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như khoảng 14.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã đưa hơn 9.000 tỉ đồng vào diện không có khả năng thi hành án.
Trước đó, Báo Người Tiêu Dùng đã đưa tin, Huỳnh Thị Huyền Như bị TAND TP.HCM xử phạt tù chung thân cho cả hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Đến tháng 2/2015, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy một phần bản án của TAND TP.HCM để điều tra lại nhằm làm rõ hành vi tham ô tài sản của Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm trong việc chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng.
Tòa phúc thẩm cho rằng số tiền 1.085 tỉ đồng là do siêu lừa Huyền Như tham ô của VietinBank chứ không phải lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chính vì thế, giai đoạn 2 của cuộc điều tra đã tập trung làm rõ tội danh của Huyền Như là tham ô tài sản hay chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng VietinBank.
Siêu lừa Huyền Như sẽ tiếp tục thoát án tử. Ảnh Quang Thuận
Nếu chứng minh được siêu lừa này tham ô tài sản thì Huyền Như sẽ bị khép vào khung xử phạt có thể tử hình. Tuy nhiên giai đoạn 2 của cuộc điều tra này đã kết thúc và không có đủ bằng chứng khép tội tham ô tài sản đối với Huỳnh Thị Huyền Như.
Kết quả điều tra lại xác định để có tiền trả nợ do kinh doanh thua lỗ, từ tháng 5/2011 đến tháng 9/2011, Huyền Như đã lợi dụng lòng tham của một số cá nhân là người môi giới, người đại diện các đơn vị gửi tiền có ý thức tư lợi cá nhân để thỏa thuận trái pháp luật.
Quá trình điều tra lại, Viện KSND tối cao cho rằng Huỳnh Thị Huyền Như đã có ý thức chiếm đoạt tiền của 5 công ty (Phương Đông, Hưng Yên, An Lộc, SBBS, Bảo Hiểm Toàn Cầu) ngay từ khi các công ty này chưa gửi tiền vào VietinBank.
Xét cả quá trình từ khi hình thành ý thức chiếm đoạt đến khi tội phạm hoàn thành, Viện KSND tối cao nhận định hành vi của Huỳnh Thị Huyền Như là lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 5 công ty. Chính vì thế không có căn cứ để thay đổi tội danh của Như từ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang tội tham ô tài sản như bản án phúc thẩm đặt ra.
Quá trình điều tra lại, ngoài Huỳnh Thị Huyền Như, Viện KSND tối cao còn truy tố 11 bị cáo khác nguyên là cán bộ Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) và VietinBank về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.