Trước sự phát triển nóng và thiếu kiểm soát của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu. Theo các chuyên gia kinh tế, việc “siết” lại TPDN là điều tất yếu nhằm làm minh bạch thị trường, cũng như giảm rủi ro cho nền kinh tế.
Nhiều DN bất động sản phát hành số lượng lớn trái phiếu
Phát hành TPDN được xem là kênh huy động vốn lớn ngoài ngân hàng được các DN kinh doanh bất động sản đặc biệt lưu ý. Vì vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, hàng loạt DN kinh doanh bất động sản đã liên tiếp phát hành trái phiếu nhằm tìm kiếm dòng tiền trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo thống kê của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, trong 11 tháng đầu năm 2021, thị trường TPDN tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng của các DN với trên 495.000 tỉ đồng TPDN phát hành thành công. Trong đó khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ chiếm 94,5%, còn lại là TPDN phát hành ra công chúng với tỉ lệ 5,5%. Các tổ chức tín dụng và DN bất động sản là hai nhóm phát hành lớn nhất trên thị trường, chiếm lần lượt 34% và 27,7% tổng khối lượng phát hành, còn lại là các DN thương mại, dịch vụ, sản xuất và công ty chứng khoán.
Còn theo thống kê của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính riêng quý III/2021, tổng giá trị TPDN phát hành đạt mức 111.744 tỉ đồng, giảm 25% so với quý trước, đồng thời giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
88 DN bất động sản phát hành tổng cộng 107.944 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ (giảm 20,8% so với quý trước) trong đó, nhiều DN bất động sản phát hành trái phiếu thu về lượng vốn rất lớn như Công ty CP Hưng Thịnh Land (7.950 tỉ đồng), Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Mediterranean Revival Villas (7.200 tỉ đồng), Công ty CP Osaka Garden (6.800 tỉ đồng), Công ty Cổ phần Crystal Bay (450 tỉ đồng), Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi sao Việt (1.900 tỉ đồng).
Việc phát hành TPDN với lãi suất huy động cao mang đến nhiều quan ngại cho các chuyên gia tài chính bởi tính rủi ro lớn của áp lực trả nợ vay khoản tiền huy động. Đặc biệt là với trái phiếu được các DN huy động dưới hình thức “3 không”.
Đơn cử như việc TNR Holdings vừa công bố huy động 500 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Lãi suất cố định 10%/năm, kỳ hạn 7 năm và đáo hạn vào ngày 5/11/2028.
Gốc và lãi trái phiếu đều sẽ được thanh toán vào ngày đáo hạn của lô này. Mục đích của lô trái phiếu nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, cơ cấu lại các khoản nợ và thực hiện đầu tư vào các dự án bất động sản của DN. Đáng nói, đây là lô trái phiếu thứ 3 đơn vị này phát hành thành công trong năm nay trước khi các động thái “siết” TPDN của Nhà nước được ban hành.
Đánh giá về vấn đề trên, đại diện của Hãng nghiên cứu FiinGroup cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, hơn 80% giá trị TPDN của ngành bất động sản thuộc về các DN chưa niêm yết. Các DN này có sức khỏe tài chính cũng ở mức yếu và rất đáng báo động.
“Mặc dù hầu hết là phát hành riêng lẻ và 86% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo nhưng đây là yếu tố rủi ro không chỉ đối với nhà đầu tư trái phiếu mà cả kênh tín dụng ngân hàng. Các chỉ số đánh giá khả năng trả nợ của nhóm nhà phát hành này đều ở mức rất kém”, vị này nói.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cũng cho rằng, rủi ro với nhà đầu tư khi đầu tư vào TPDN không tài sản đảm bảo là rất lớn nếu không may dự án triển khai bị trục trặc và tính thanh khoản không tốt.
“Thực tế, trước khi các quy định “siết” TPDN được ban hành thì nhiều DN bất động sản đã tranh thủ phát hành trái phiếu rồi. Nhưng sắp tới việc huy động vốn bằng trái phiếu sẽ khó khăn hơn. Đây là sự kiểm soát làm cho thị trường bất động sản phát triển minh bạch, ổn định và DN sẽ phải chú trọng vào việc hoàn thiện dự án thật nhanh để đưa sản phẩm ra thị trường thay vì huy động vốn để đi mua gom quỹ đất”, ông Châu nói.
“Siết” trái phiếu DN để cắt nguy cơ “bom” tín dụng xấu
Thực tế, trước khi Thủ tướng có công điện yêu cầu Bộ Tài chính thanh tra, kiểm tra và “siết” lại việc phát hành TPDN, Ngân hàng Nhà nước cùng đã ban hành Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN.
Trong hàng loạt nội dung công điện yêu cầu thì nội dung quan trọng nhất là yêu cầu các tổ chức tín dụng không được mua TPDN phát hành, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính DN phát hành. Kế đến là tổ chức tín dụng không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại DN khác hay để mục đích tăng quy mô vốn hoạt động.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ được mua TPDN khi có tỉ lệ nợ xấu dưới 3%... Quy định là vậy, nhưng theo báo cáo của Hãng nghiên cứu FiinGroup, các ngân hàng vẫn là nhóm nhà đầu tư mua TPDN chính trong 9 tháng đầu năm 2021 với 56% tổng giá trị phát hành.
Để giảm rủi ro cho nền kinh tế, việc “siết” TPDN theo nhiều chuyên gia kinh tế là việc phải làm. Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cũng đã vào cuộc để kìm hãm “bong bóng” tín dụng đang phình to.
Trong một báo cáo của Bộ Tài chính mới đây cho biết. trong số các TPDN phát hành riêng lẻ các tháng đầu năm 2021, TPDN có tài sản đảm bảo chiếm 50,9%, trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 49,1%. Tuy nhiên, dù tỉ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của DN, vì thế vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Đánh giá về thực trạng TPDN có và không có tài sản đảm bảo, ông Nguyễn Nhật Hoàng - Phó phòng Phân tích rủi ro tín dụng FiinRatings - cho biết, cả hai đều không mang nhiều ý nghĩa. Bởi quan trọng nhất vẫn là năng lực trả nợ, năng lực thực thi dự án, tài sản đảm bảo chỉ là một yếu tố đính kèm.
Theo ông Hoàng, trong trường hợp có sự kiện xấu xảy ra với DN, thậm chí DN vỡ nợ thì giá cổ phiếu giảm mạnh, mức độ giá trị thu hồi là không cao.
“Nhà đầu tư không nên quá dựa dẫm tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu hay bất động sản. Với dự án bất động sản có tài sản đảm bảo hình thành trong tương lai, thường có nhiều rủi ro pháp lý, hay nợ chậm thanh toán. Chỉ cần thủ tục rắc rối, sẽ khiến thời gian thu hồi khoản nợ kéo dài hơn nhiều so với dự kiến, đó là chưa kể tính thời điểm và giá trị thanh khoản thị trường bất động sản mỗi lúc mỗi khác.
Khi các vấn đề nảy sinh ngoài ý muốn, nó sẽ khiến các DN nặng gánh chi phí vốn do ứ đọng, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc và lãi TPDN. Vì vậy, nhà đầu tư cần lựa chọn kênh đầu tư, gửi gắm nhà phát hành TPDN uy tín và phù hợp”, ông Hoàng chia sẻ.