Siết chặt kỷ cương, nề nếp trường lớp đầu năm học mới

GD&TĐ - Năm học mới diễn ra chưa đầy 1 tháng nhưng ngành GD&ĐT Ninh Bình đã tiến hành kiểm tra công tác chỉ đạo, quản lý nề nếp chuyên môn tại 48 đơn vị giáo dục trong toàn tỉnh. Những ưu điểm, tồn tại được nhìn nhận, chỉ ra để khắc phục và triển khai hiệu quả.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào dạy - học. Ảnh: NTCC
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào dạy - học. Ảnh: NTCC

Nghiêm túc từ đầu năm học

Ông Đỗ Văn Thông – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết: Qua kiểm tra các cơ sở giáo dục cho thấy đã cơ bản đã thực hiện nghiêm túc công tác chỉ đạo, quản lý nền nếp chuyên môn từ đầu năm học.  

Cụ thể, các đơn vị đã triển khai, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp về nhiệm vụ năm học 2020-2021. Một số đơn vị đã hoàn thành xây dựng kế hoạch giáo dục các môn học, cụ thể hóa khá chi tiết kế hoạch dạy học của bộ môn theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất HS và hướng dẫn của Phòng, Sở, Bộ GD&ĐT đảm bảo theo quy định.

Đã thực hiện tuyển sinh đầu cấp, phân lớp phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị; tiếp tục tuyên truyền, quán triệt cho GV về CTGDPT mới, yêu cầu GV nghiên cứu, tìm hiểu để triển khai thực hiện.

Cơ sở vật chất trường lớp đảm bảo, cảnh quan sạch sẽ; HS và GV thực hiện nghiêm kỷ cương, nề nếp giảng dạy trên lớp. Điển hình Trường MN Quang Sơn đã tham mưu chính quyền địa phương mở rộng thêm 1000 m2 diện tích khuôn viên trường và xây dựng mới khu bếp ăn đảm bảo quy trình bếp một chiều.

Ở nhiều đơn vị trường học khuôn viên được trồng thêm hoa và cây xanh, lắp đặt hệ thống camera, sử dụng CNTT để hỗ trợ công tác quản lí và giảng dạy, học tập; khu thể dục thể thao, nhà đa năng bố trí phía sau các phòng học, rộng rãi và hiện đại.

Đặc biệt, các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch Covid-19. Phun dung dịch khử trùng toàn bộ khuôn viên trường lớp; trang bị dung dịch rửa tay khô; chậu rửa có xà phòng diệt khuẩn. Nhiều trường đo nhiệt độ cơ thể HS hàng ngày vào đầu buổi học…

Bộc lộ bất cập

Bên cạnh những ưu điểm công tác chỉ đạo, quản lý nền nếp chuyên môn, qua kiểm tra thực tế còn bộc lộ một số bất cập về cơ sở vật chất đòi hỏi các trường học sớm có giải pháp khắc phục.

Điển hình như trung tâm GDNN-GDTX huyện Nho Quan khu nhà hiệu bộ đã xuống cấp có nguy cơ không an toàn (phần mái hiên). Có 1 khu vệ sinh riêng cho HS nam và nữ nhưng chỉ có 4 bệ vệ sinh/674 học viên. Tương tự, tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Gia Viễn khu vệ sinh cho HS nam, nữ nhưng chỉ có 2 bệ vệ sinh/403 học viên và thiếu mái che. Tại Trường THPT Gia Viễn B khu vệ sinh cho HS đã xuống cấp, thiếu mái che, chưa có bồn rửa tay tại khu vệ sinh, thiếu bệ vệ sinh.

Cùng đó là tình trạng thiếu trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy và học tập, không đủ phòng chức năng; đồ dùng đã cũ, hỏng, nhiều thiết bị không sử dụng được…  

Trường THPT Vũ Duy Thanh có 2 phòng máy nhưng chỉ có 10 máy vi tính hoạt động tốt. Trường THPT Yên Mô A thiếu phòng học bộ môn và nhà đa năng; phòng thiết bị, phòng thư viện không đảm bảo yêu cầu, không thuận tiện cho việc sử dụng…

Thực trạng cũng đáng lưu tâm đầu năm học mới là ở một số trường đội ngũ GV, NV còn thiếu biên chế, hoặc đủ nhưng không đảm bảo về cơ cấu chủng loại. Trường THCS Khánh Trung không có GV biên chế môn Vật Lý; thiếu GV môn Tiếng Anh, Công nghệ, GDCD, nhân viên thiết bị. Trường THCS Quang Trung (TP Tam Điệp) thiếu 1 GV thể dục nhưng lại thừa 3 GV môn Ngữ văn, 1 GV môn Tiếng Anh, 1 GV môn Toán...

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết, để khắc phục tồn tại trê, Sở đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để tăng cường cơ sở vật chất.

Mặt khác thường xuyên kiểm tra rà soát độ an toàn về cơ sở vật chất, phòng học, phát hiện, xử lý kịp thời; tuyệt đối không để xảy ra sự cố sập đổ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của CB, GV, NV và HS trong trường học.

Đối với một số Trung tâm GDNN-GDTX yêu cầu phải kiểm tra, sửa chữa khu hiệu bộ, mở rộng khu vệ sinh cho học viên; mở rộng cơ sở giáo dục, bố trí đủ các phòng chức năng theo quy định.

Các cơ sở giáo dục cũng cần tham mưu với các cấp để đảm bảo tỷ lệ GV/lớp, cơ cấu chủng loại GV, nhân viên đáp ứng các hoạt động của nhà trường.

 “Sở cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn, soạn giảng đảm bảo chất lượng, tăng cường hoạt động trải nghiệm nội môn, tiếp tục quan tâm đến hình thức tổ chức các chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn thiết thực, có hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Mặt khác, tổ chức hoạt động giáo dục hướng đến phát triển năng lực học sinh, quan tâm hướng dẫn HS tự học, hình thành thói quen tự học; thực hiện ứng dụng CNTT, sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học thường xuyên; đa dạng hoạt động dạy học tạo hứng thú cho HS, nâng cao chất lượng dạy và học…” - ông Đỗ Văn Thông cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ