Bạo lực được xem là tiêu chuẩn của nam tính
Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tuy bạo lực gia đình là một vấn đề toàn cầu nhưng phụ nữ châu Phi phải chịu các trận đòn vì cãi cọ, từ chối quan hệ tình dục, đi ra ngoài mà không được phép… nhiều hơn so với phụ nữ ở những nơi khác trên thế giới.
Cứ 2 phụ nữ châu Phi thì có 1 người cho biết họ chấp nhận bạo lực gia đình, trong khi 1/3 số người phải chịu đựng những lạm dụng như vậy - báo cáo trên cho biết.
Bạo lực gia đình đã lan rộng ra khắp lục địa vì đàn ông có xu hướng coi phụ nữ là tài sản của họ, trong khi việc chịu đựng một cuộc hôn nhân tồi tệ được xã hội coi là biểu hiện sức mạnh của phụ nữ - Giám đốc Điều hành Ayodeji Owosobi của Tổ chức Stand to End Rape ở Nigeria cho hay.
“Niềm tin này có tác động tới tâm lý của người đàn ông” - ông Owosobi nói - “Nó cho rằng dù anh ta làm gì, vợ anh ta cũng sẽ ở lại, do đó bạo lực trở thành chuyện bình thường. Trẻ em coi sự lạm dụng trong gia đình là một tiêu chuẩn của nam tính và là biện pháp chỉnh đốn trong nhà”.
Trải qua nội chiến và nạn dịch Ebola làm chết 4.000 người ở Sierra Leone từ năm 2014 tới 2016, nhiều nam giới đang có những hành động chống lại vợ mình.
“Một số nam giới vẫn bị tổn thương vì mất gia đình sau đại dịch Ebola” - nhà tâm lý Lois Roberts Simche của Bộ Phúc lợi xã hội, Phụ nữ và Trẻ em cho biết - “Bạo lực trên cơ sở giới tính đang gia tăng vì hầu hết đàn ông không thể đủ khả năng để chăm sóc chính họ và gia đình”.
|
Trường dạy chồng
Tại 3 ngôi trường dành cho các ông chồng ở Sierra Leone, những người đàn ông không chỉ học về sức khỏe nữ giới mà còn được khuyến khích đồng hành với vợ và gia đình trong các dịch vụ như kế hoạch hóa gia đình.
Mong muốn cải thiện sức khỏe của các gia đình, các trường còn thu thập dữ liệu về nam giới và gia đình để theo dõi việc họ tới các trung tâm y tế chăm sóc tiền sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục và bạo lực trên cơ sở giới tính.
Ngoài ra, những người đứng đầu cộng đồng phải đảm bảo các ông chồng không trốn tránh trách nhiệm của mình bằng cách thực hiện các quy định của nhà trường như tuân thủ luật pháp.
Những ngôi trường này còn kết hợp với một sáng kiến khác là “chương trình pamama”, trong đó để nam giới thực hành các bài học học được cùng với vợ và thảo luận các vấn đề như chia sẻ việc nhà, sử dụng biện pháp tránh thai.
Các lớp học đã mang lại kết quả tích cực. Người chồng 35 tuổi Saidu Lamine từng thường xuyên đánh vợ là Fati và không đưa cô tiền mua thức ăn cho biết, ngôi trường đã thay đổi cuộc đời anh và biến anh thành “người tốt”. Lắng nghe chồng mình, Fati không thể giấu được niềm vui: “Anh ấy đã thay đổi, không còn những trận đòn nữa. Anh ấy giờ là một người cha, người chồng tốt!”.
Tuy các trường dành cho những ông chồng cố gắng thay đổi thái độ và hành vi của cánh nam giới với phụ nữ, nạn nhân của bạo lực gia đình ở Sierra Leone thường thiếu sự hỗ trợ, thiếu kiến thức về quyền lợi và cách tìm công lý - các nhóm quyền phụ nữ cho biết.
Sierra Leone đã thông qua luật bạo lực gia đình năm 2007, trừng phạt hành vi lạm dụng tới 2 năm tù và cho phép người sống sót được chăm sóc y tế miễn phí. Tuy nhiên, luật này hiếm khi được thực thi vì nạn nhân theo đuổi công lý phải trả tiền cho bác sĩ để có báo cáo y tế trình với cảnh sát. Đôi khi họ còn phải trả chi phí cho cả luật sư.