Philippines: “Xe buýt trường học” trên biển

GD&TĐ - Hãy tưởng tượng nếu như hằng ngày muốn đến trường bạn phải bơi và lội qua vùng nước có đước mọc rải rác, bạn lò dò bước đi với đống sách vở được buộc chặt trong một cái túi nhựa đặt trên đầu.

Nhiều cộng đồng nơi đây không có thuyền để học sinh tới trường
Nhiều cộng đồng nơi đây không có thuyền để học sinh tới trường

Hỗ trợ thuyền cho trẻ em đến trường

Suốt trên đường đi bạn luôn phải vật lộn để mặt mình nổi trên mặt nước và tìm cách tiến lên phía trước với dòng nước bao quanh. Với một số trẻ em Philippines, đó là chuyện thường ngày - nhưng các nhà hảo tâm đang cố sức giúp các em đỡ vất vả hơn để tìm con chữ bằng cách cung cấp thuyền cho cộng đồng dân nơi này.

Mấy năm gần đây trên mạng xã hội, một quỹ có tên là Hy vọng bắt đầu đưa ra ý tưởng mua sắm cho các em học sinh những con thuyền màu vàng để tới trường. Đến nay ý tưởng này đã sự ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm.

Cộng đồng đầu tiên tiếp nhận được tiếp nhận tấm lòng hảo tâm đó là một số ngư dân ở thành phố Zamboanga, một vùng nghèo của Mindanao – miền Nam Philippines. Người dân ở đây trú trong các túp lều cheo leo dựng trên các cọc gỗ ngoài khơi và sống bằng nghề thu lượm tảo biển.

Trẻ em ở đây phải lội trong nước khoảng một kilômet để đến trường, nếu thủy triều lên cao, các em sẽ phải bơi đến lớp. “Điều đó nguy hiểm thậm trí ngay cả với những em bơi giỏi”, Jay Jaboneta - nhà sáng lập Quỹ Hy vọng nói. Và trong số đó nhiều trẻ đã không thể đến trường.

Còn nữa, khi tất cả thuyền, bè của người dân được dùng để đánh bắt cá, các em cũng không còn sự chọn lựa nào khác, chúng phải cho sách vở và quần áo vào một chiếc túi ny-lon, buộc chặt để khỏi ướt trong suốt quãng đường đến trường. “Tôi không hề biết gì về tình cảnh này cho đến khi tôi tận mắt chứng kiến”. ông Jaboneta nói. Người đàn ông này đã ghi lại những hình ảnh trên và đăng tải trên Facebook, kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người.

Câu chuyện dần vang xa và bạn bè của ông bắt đầu hứa góp tiền giúp đỡ bọn trẻ. Quỹ Hy vọng ra đời và hoạt động trên toàn Philippines, thuyền từ nguồn hỗ trợ cho trẻ cấp 1 đều sơn màu vàng, đồng màu với xe bus trường học.

Một chiếc thuyền nhỏ có giá 200 đô la Mỹ (tương đương khoảng 4,6 triệu đồng), dùng cho 6 - 8 học sinh, các em tự chèo thuyền. Những thuyền lớn hơn thậm chí có máy, các học sinh lớn hay cha mẹ, thầy cô sẽ điều khiển.

Những chiếc thuyền được sơn màu vàng của Quỹ Hy vọng, đồng màu với xe buýt trường học
  • Những chiếc thuyền được sơn màu vàng của Quỹ Hy vọng, đồng màu với xe buýt trường học

Phòng ngủ tập thể, lớp học di động

Nhờ có phong trào từ thiện lan rộng trong những năm gần đây, các thành viên của Quỹ cũng phát triển thêm những dự án giúp đỡ các cộng đồng nghèo, xa xôi để có khả năng tiếp cận với giáo dục. “Vấn đề là hiện trạng của từng cộng đồng này rất khác nhau”, ông Jaboneta phân tích. Với một số dự án người ta xây phòng ngủ tập thể cho những em ở cách xa trường học vài giờ di chuyển.

Một trong những dự án gần đây nhất là người ta đóng một chiếc thuyền có lắp các thiết bị giáo dục, nhờ đó một giáo viên có thể dạy trẻ em ở vùng xa xôi và dùng nó như một lớp học di động.

Từ năm 2010 đến nay dự án tiếp cận được 200 cộng đồng. “Chúng tôi thường làm việc với lãnh đạo các cộng đồng và trường học địa phương” người sáng lập Quỹ này tâm sự. “Có lần chúng tôi đã gây quỹ để đóng một chiếc thuyền mà một dự án có thể được vận hành ngay trên đó”.

Ngân sách được quyên góp hầu hết đến từ trong nước, ông Jaboneta cho biết. “Một ngoại lệ vào năm 2013, sau khi cả nước bị tàn phá bởi trận bão Hải Yến, truyền thông thế giới đã đồng hành cùng với người dân Philippines, nhờ vậy chúng tôi có nhận được một số tiền quyên góp từ các nước”, vị giám đốc này kể.

Nhưng hầu hết tiền từ thiện đến từ người dân địa phương - họ muốn làm gì đó để tạo ra một điều khác biệt.

Đến nay ông Jaboneta và người đồng sáng lập Quỹ - ông Anton Lim vẫn tiếp tục kêu gọi quyên góp từ thiện. Hai người cùng làm việc, điều hành với lãnh đạo các cộng đồng trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện.

“Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được những con thuyền đó lại quan trọng đến mức nó tạo ra sự khác biệt lớn”, ông Jaboneta nói khi tổng kết lại những kinh nghiệm của mình từ các năm qua.

Philippines là một quốc đảo với gần 7.000 hòn đảo nên thuyền có ở khắp mọi nơi – ước tính cả nước có khoảng một triệu chiếc thuyền. Tuy vậy, trên thực tế vẫn còn rất nhiều vùng người dân cần thuyền để đi lại. Và sự hiện diện của những chiếc thuyền màu vàng thực sự mang lại luồn sinh khí mới, nhất là cho những đứa trẻ đang độ tuổi đến trường.

Theo BBC News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ