Shipper ăn nên làm ra bằng… “đi chợ hộ”
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đóng cửa, tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ khiến lượng khách đến các cửa hàng, quán ăn đều giảm mạnh. Các dịch vụ gọi xe trên ứng dụng vì thế cũng tạm dừng hoạt động. Nhưng chính trong giai đoạn này, thị trường đồ ăn online, ship hàng tận nơi lượng khách hàng tăng đột biến. Do đó, trong mùa dịch, nhiều xe ôm công nghệ, xe ôm truyền thống đã chuyển sang làm shipper.
Người dân thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt, đi lại nên gia tăng sử dụng các dịch vụ đặt thức ăn online. Điều này khiến các shipper nhiều việc hơn. Các đơn hàng được giao cho các shipper, chuyển đến tận tay khách hàng.
Đặc biệt, khi người dân hạn chế đi ra khỏi nhà thì dịch vụ “đi chợ hộ” cũng nở rộ. Anh Lê Xuân Hùng (tài xế Grab, Long Biên, Hà Nội) cho biết, dịp này lượng khách đặt ship hàng tăng đột biến. Khách chỉ cần vào ứng dụng chọn địa điểm mua hàng như siêu thị, cửa hàng tiện lợi cùng món hàng muốn mua thông qua ứng dụng kết nối với tài xế. Tôi nhận đơn và thực hiện các công việc tiếp theo, khách chỉ phải trả phí khoảng 40.000 đồng qua ví điện tử cho mỗi đơn hàng này. Một ngày tôi thực hiện được khoảng 15 - 20 đơn hàng như vậy.
Trong 15 ngày cách ly toàn xã hội (từ 1/4/2020 - 15/4/2020), các ứng dụng đặt xe 2 - 4 bánh của Grab, Go Việt, Be... đều được tắt không hiển thị trên màn hình và tạm dừng hoạt động. Riêng tại Đà Nẵng, dịch vụ Grabfood cũng được tạm dừng hoạt động từ ngày 2/4/2020.
Trái với suy đoán của nhiều người, dịp này giá ship không tăng mà còn có nhiều ưu đãi. Các dịch vụ cung cấp hàng hóa cũng có những chính sách giảm giá, phục vụ nhu cầu của người dân trong mùa dịch. Tuy nhiên, không dễ dàng để đặt ship thành công vì dịch vụ quá tải. Hoặc tài xế e ngại các khu vực có dịch mà từ chối cuốc xe.
Anh Trần Sang, một shipper (Long Biên, Hà Nội) cho biết, thời gian này phải ra đường nhiều cũng ngại. Vợ con cũng không muốn mình phải bất chấp nguy hiểm. Nhưng vì nhu cầu của khách hàng và vì thu nhập nên đành cố. Cánh xe ôm phần nhiều ở ngoại tỉnh đã trở về quê nên lượng shipper hoạt động vắng hơn thông thường. Dịp này, mỗi ngày thu nhập của tôi cũng được vài trăm đến cả triệu đồng.
“Vì là nghề đặc thù, được bật đèn xanh cho phép di chuyển khi thực hiện Chỉ thị cách ly toàn xã hội. Các lực lượng kiểm soát không làm khó mà chỉ nhắc nhở thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch. Khi qua các trạm kiểm soát, tôi được đo thân nhiệt, khai báo đưa hàng đến nhà ai và cung cấp số điện thoại là lại tiếp tục lưu thông. Được ủng hộ và cảm thông nên các shipper cũng thấy mình có ích và có trách nhiệm xã hội hơn”, anh Trần Sang chia sẻ.
Đối mặt nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Trong những ngày cách ly xã hội, các tài xế công nghệ và xe ôm truyền thống có thể lựa chọn việc chạy giao hàng hoặc đi chợ hộ. Các dịch vụ ship hàng, đi mua đồ ăn, đi chợ hộ qua ứng dụng hay đặt qua xe ôm đã và đang phần nào giải quyết được nỗi lo lắng khi đến những nơi công cộng của người dân đô thị.
Bởi vậy, khi nhận và giao hàng, đứng đợi phải bảo đảm khoảng cách 2 mét. Nếu không bảo đảm, nguy cơ có thể đến bất cứ lúc nào bởi mỗi ngày, shipper di chuyển và gặp gỡ rất nhiều.
Anh Xuân Tùng (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, công việc trong mùa dịch tiềm ẩn nhiều rủi ro. Anh và gia đình anh đều lo lắng nhưng khó có lựa chọn tốt hơn. Bởi trong lúc nhiều ngành nghề khốn khó vì dịch thì nghề này vẫn có cơ hội để kiếm sống. Vì thế, quan trọng là phải cố gắng và nâng cao cảnh giác để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Anh Tùng luôn mang theo mình chai nước rửa tay khô. Trước khi nhận hay giao hàng xong đều rửa tay khử khuẩn. Anh đeo khẩu trang, áo khoác, găng tay để bảo vệ bản thân. Mỗi tối đi làm về thì giặt sạch quần áo, khẩu trang và sấy khô rồi mới sử dụng lại.
Về hình thức mua bán, giao hàng online để tránh lây lan bệnh dịch, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, hiện chúng ta đang khuyến khích hình thức mua bán online để hạn chế việc người dân ra đường và tụ tập đông người, tránh lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, người bán hàng phải áp dụng những biện pháp phòng bệnh tốt để giảm nguy cơ lây nhiễm virus sang hàng hóa (nếu mắc bệnh mà chưa được phát hiện). Các shipper cần giữ khoảng cách giao hàng với người nhận trên 2 mét. Khuyến cáo trong lúc này, những ai có dấu hiệu viêm đường hô hấp không đi giao hàng.