Thiết bị phục vụ Chương trình SGK lớp 2 và lớp 6: Cần triển khai đồng bộ

GD&TĐ - Triển khai chương trình SGK lớp 2 và lớp 6 đồng nghĩa với yêu cầu về dụng cụ dạy học, cơ sở vật chất và đội ngũ tương ứng.

Học sinh Trường THCS Ngọc Tụ trong một giờ thực hành, sử dụng thiết bị.
Học sinh Trường THCS Ngọc Tụ trong một giờ thực hành, sử dụng thiết bị.

Trong đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là mối quan tâm hàng đầu đối với các trường, địa phương khó khăn tại Kon Tum.

Giáo viên kiêm nhà thiết kế

Thầy Nguyễn Thành Long - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, Kon Tum) cho biết: Năm học 2021 - 2022, trường có khoảng 80 em học sinh từ lớp 1 lên lớp 2. Năm học này, giáo viên và  học sinh đã làm quen với chương trình mới nên sẽ không còn bỡ ngỡ. Tuy nhiên, trong số 80 học sinh chỉ có khoảng 25 em hưởng chế độ, chính sách và được cấp SGK. Nhà trường đang lên các phương án để hỗ trợ cho 55 em còn lại, bởi việc tự mua đối với gia đình các em khá khó khăn.

Cũng theo thầy Long, trường ở vùng sâu vùng xa nên thường xuyên được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ. Theo đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng được quan tâm, phân bổ trước khi thực hiện chương trình mới. Tuy nhiên, năm học vừa qua, mặc dù chương trình SGK lớp 1 đã triển khai, nhưng một thời gian sau thiết bị mới được phân bổ về, ảnh hưởng phần nào đến quá trình dạy và học.

Để ứng phó với tình trạng này, trong năm học 2021 - 2022, nếu chương trình SGK lớp 2 triển khai mà thiết bị chưa về, giáo viên sẽ sử dụng đồ dùng cũ để đáp ứng nhu cầu dạy học trước mắt.

Vị hiệu trưởng cho hay, đồ dùng dạy học sử dụng hơn chục năm nên đã xuống cấp và cũ đi nhiều. Do đó, những thiết bị, tranh ảnh… cần thiết hoặc không thể tận dụng được, giáo viên của trường sẽ chủ động làm để hỗ trợ các em trong quá trình học tập.

Tương tự, cô Hồ Thị Thuỳ Vân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đắk Hà (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) thông tin: Năm học 2020 - 2021,  học sinh lớp 1 học tập chương trình mới. Do đó, năm học 2021 - 2022, nhà trường sẽ kế thừa những thuận lợi và rút kinh nghiệm từ những thiếu sót của năm học trước. Tuy nhiên, giáo viên trong trường đang lo lắng về việc “chương trình đi trước, thiết bị theo sau”.

Theo cô Vân, chương trình SGK lớp 1 dạy được vài tháng thì trang thiết bị dạy học mới được bàn giao về trường. “Lo lắng năm học này sẽ giống như năm trước nên nhà trường cùng giáo viên lên phương án chuẩn bị trang thiết bị dạy học cho học sinh. Theo đó, với những tranh ảnh, bảng tính chục, trăm, nghìn… sử dụng cho chương trình lớp 2, giáo viên sẽ chủ động mua vật liệu về làm. Vào năm học mới, nếu thiết bị chưa kịp thời được trang bị, giáo viên sẽ sử dụng phục vụ công tác giảng dạy”, cô Vân nói.

Trường Tiểu học xã Đắk Hà chủ động làm thiết bị phục vụ dạy học cho chương trình mới.
Trường Tiểu học xã Đắk Hà chủ động làm thiết bị phục vụ dạy học cho chương trình mới.

Mong thiết bị song hành với chương trình

“Nhà trường vẫn mong muốn danh mục thiết bị dạy học do Bộ GD&ĐT ban hành sẽ được địa phương trang bị kịp thời, song hành với chương trình SGK lớp 2. Tuy nhiên, để ứng phó trong tình huống xấu, nhà trường vẫn chuẩn bị các trang thiết bị đơn giản, do giáo viên tự “chế” để nâng cao kỹ năng thực hành cho học sinh. Tuy nhiên, hiệu quả của thiết bị do giáo viên làm không cao, thiếu độ chính xác…”, cô Vân chia sẻ.

Năm học 2021 - 2022 là năm đầu tiên các học sinh lớp 6 của Trường THCS Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô, Kon Tum) làm quen với Chương trình SGK mới. Thầy Hồ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Tụ cho hay: Được sự quan tâm của các cấp chính quyền nên nhiều năm qua, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy, học… tương đối đầy đủ. Đối với trang thiết bị dạy học chương trình SGK mới, nhà trường cũng đã lập tờ trình xin tivi, máy tính, thiết bị thí nghiệm… để đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Tuy nhiên, thầy Tuấn cũng không tránh khỏi lo lắng dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ mua sắm. Chương trình, SGK mới cần sự hỗ trợ nhiều của thiết bị trong quá trình giảng dạy. Nếu chương trình đi trước, thiết bị chưa kịp thời đáp ứng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Do đó, nhà trường  đã lên phương án kêu gọi các mạnh thường quân, hỗ trợ SGK cho học sinh và thiết bị dạy học cần thiết. Theo thầy Tuấn vấn đề này khá khó khăn vì đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn túng thiếu. Hoạt động xã hội hóa lâu nay còn khiêm tốn. Đầu tư cho giáo dục vẫn trông chờ chủ yếu vào ngân sách địa phương, sự đóng góp, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của trường đang thiếu và cũ do đã sử dụng nhiều năm nay, do đó, khó đáp ứng yêu cầu Chương trình SGK mới. Vừa qua, nhà trường đã báo cáo đề xuất lên phòng GD&ĐT để xin hỗ trợ, nhằm đáp ứng việc dạy và học của chương trình mới. - Thầy Ngô Đình Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh (Thị trấn Đăk Tô, Kon Tum) 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ