Thầy, cô đã sẵn sàng đón nhận Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới

GD&TĐ - Chiều 25/5, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội thảo trực tuyến góp ý dự thảo Báo cáo đánh giá kết thúc Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) giai đoạn 2015-2020.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội thảo
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay, báo cáo do đơn vị độc lập viết và nhìn nhận khách quan quá trình hoạt động của dự án. Báo cáo vừa là sản phẩm, vừa là tài liệu quan trọng đánh giá quá trình triển khai dự án và sẽ được lưu giữ nhiều năm. Vì thế, những góp ý của các đại biểu, chuyên gia có ý nghĩa quan trọng, giúp đơn vị hoàn thiện báo cáo.

Trong báo cáo cần nhấn mạnh ý nghĩa của việc ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đây là chương trình lần đầu tiên theo hướng tiếp cận phẩm chất, năng lực và cũng là lần đầu tiên được xây dựng theo mô hình Chương trình tổng thể, sau đó cụ thể hoá bằng chương trình các môn học.

Việc xây dựng chương trình được xuất phát từ chuẩn đầu ra, với 5 phẩm chất và 10 năng lực. Đây là sự khác biệt được các nhà khoa học ghi nhận và đánh giá chương trình xây dựng công phu, khoa học, có thực nghiệm.

Các đại biểu ở các điểm cầu phát biểu thảo luận
Các đại biểu ở các điểm cầu phát biểu thảo luận

Báo cáo cần nêu một số chỉ số trung gian, trong đó có việc khai thông về công tác bồi dưỡng, mà điểm nhấn là công thức 5-3-7. Qua đó, tạo điều kiện cho giáo viên được bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghề nghiệp.

Ngoài ra, cần nhấn mạnh chỉ số vượt trội là tính sẵn sàng thay đổi của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông để đón nhận Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra, chủ trương xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa đã huy động được nguồn lực xã hội, tiết kiệm được ngân sách của nhà nước. 

Thứ trưởng nhắc lại, theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chương trình sẽ được thực hiện thống nhất trong cả nước và sẽ có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Mục tiêu của Nghị quyết 88 nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất cấu trúc báo cáo gồm: thông tin về dự án; kết quả thực hiện; tác động về kinh tế, xã hội của dự án; bài học kinh nghiệm và đề xuất kiến nghị.

Theo các đại biểu, báo cáo cần tập trung phản ánh sâu sắc, rõ nét về kết quả thực hiện dự án. Trong đó có mục tiêu, các chỉ số và những điểm mạnh, yếu, hạn chế trong quá trình triển khai.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, dự án RGEP thiết kế 4 hoạt động lớn gồm: xây dựng và phát triển chương trình giáo dục phổ thông; hỗ trợ biên soạn sách giáo khoa; hỗ trợ công tác đánh giá phát triển bền vững giáo dục phổ thông; quản lý dự án.

Năm 2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông. Đây là sản phẩm, công sức, trí tuệ của ngành Giáo dục, trong đó có sự hỗ trợ của dự án RGEP. Hiện chương trình đã được triển khai thực hiện đối với lớp 1, năm học tới sẽ triển khai đối với lớp 2, 6 và sẽ tiếp tục triển khai đối với các lớp còn lại theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ