SEVEN.am không có xưởng may riêng

Chỉ trong một thời gian ngắn, dư luận báo chí liên tục có những thông tin về một số thương hiệu thời trang trong nước như SEVEN.am, NEM, IFU… dính nghi án nhập hàng nước ngoài cắt bỏ tem rồi dán nhãn “Made in Việt Nam”.

Toàn bộ số hàng hóa quần áo cắt tem mác tại cơ sở may mặc số 503 Bát Khối, phường Thạch Bàn hiện đang bị tạm giữ. Ảnh: QLTT.
Toàn bộ số hàng hóa quần áo cắt tem mác tại cơ sở may mặc số 503 Bát Khối, phường Thạch Bàn hiện đang bị tạm giữ. Ảnh: QLTT.

Ngay sáng ngày 11/11, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra làm rõ thông tin.

SEVEN.am không có xưởng may mặc riêng

Theo thông tin Báo Tuổi trẻ Thủ đô đăng tải, những kiện hàng như túi, khăn, quần áo… được đưa về kho của Công ty cổ phần MHA (là đơn vị quản lý thương hiệu thời trang SEVEN.am) ở tầng 4, tòa nhà Hesco số 135 Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội.

Tại đây, các công nhân sẽ kiểm tra từng sản phẩm, nếu thấy bất kỳ chữ Trung Quốc nào sẽ phải loại bỏ ngay và thay vào đó bằng nhãn hiệu SEVEN.am trước khi được chuyển tới các cửa hàng của thương hiệu thời trang này.

Ông chủ SEVEN.am Nguyễn Vũ Hải Anh cho rằng, việc cắt mác Trung Quốc là do khách hàng phàn nàn vì bị ngứa ngáy, khó chịu. Còn với những sản phẩm nhập từ Trung Quốc đều có hóa đơn và không gắn mác thương hiệu SEVEN.am.

Bình luận với báo chí về giải thích trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng cách giải thích của ông chủ SEVEN.am Nguyễn Vũ Hải Anh rất khó chấp nhận.

Trong sáng ngày 11/11, Cục QLTT Hà Nội chỉ đạo Đội QLTT số 14 chia thành 5 tổ kiểm tra 5 địa điểm kinh doanh thương hiệu thời trang SEVEN.am trên địa bàn Hà Nội gồm: 146 -148 Tôn Đức Thắng; 11 Kim Đồng; 146 Thái Hà; 135 Trần Phú (Hà Đông) và 506 Nguyễn Văn Cừ.

Qua kiểm tra, Đội QLTT số 14 ghi nhận trên toàn bộ các sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng SEVEN.am đều có tem của sản phẩm SEVEN.am, xuất xứ “Made in Vietnam”, có gắn dấu hợp quy.

Tuy nhiên, trên sản phẩm không thể hiện rõ tên địa chỉ sản xuất mà chỉ có địa chỉ nhà phân phối đó là "Công ty cổ phần MHA thời trang SEVEN.am".

Tại thời điểm kiểm tra, chủ của các cửa hàng kinh doanh mới chỉ xuất trình cho đoàn kiểm tra giấy đăng ký nhãn hiệu SEVEN.am còn hạn sử dụng; Giấy chứng nhận hợp quy số 14518064. Còn toàn bộ hoá đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và bản công bố hợp quy của sản phẩm, chủ cửa hàng xin sẽ xuất trình sau.

Theo ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng Đội QLTT số 14, SEVEN.am không có xưởng may mặc riêng. Tuy nhiên, nhãn hàng này có hợp đồng với Công ty TNHH Thời trang Quốc tế Bảo Anh tại địa chỉ 135 Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội. Toàn bộ sản phẩm được SEVEN.am thiết kế và chuyển sang Công ty Bảo Anh sản xuất và chuyển về.  

Phát hiện việc cắt tem dán nhãn NEM, IFU

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, chiều ngày 4/11, Đội QLTT số 17, Cục QLTT Hà Nội kiểm tra cơ sở may mặc tại số 503 Bát Khối, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra công nhân may của cơ sở này đang thực hiện việc cắt tem nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và đính thay bằng nhãn của hãng thời trang có thương hiệu NEM, IFU trên các sản phẩm quần áo.

Qua kiểm đếm, lực lượng QLTT đã tạm giữ giữ 66 bao tải quần áo các loại có chữ nước ngoài, 2.130 sản phẩm quần áo đã gắn nhãn IFU, 16 bao quần áo gắn nhãn NEM, 6 bao túi xách và 4 bao quần áo đã cắt nhãn gốc.

Ước tổng khối lượng hàng hóa khoảng 4 tấn, tổng trị giá hàng hóa khoảng 2 tỷ đồng. Theo lực lượng QLTT, toàn bộ hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Ngay sau khi sự việc được thông tin, đại diện hãng thời trang NEM đã có ý kiến chính thức doanh nghiệp này hoàn toàn không biết cơ sở sản xuất tại Long Biên đã làm nhái các thương hiệu Việt.

Hãng thời trang NEM sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục QLTT Hà Nội để bảo hộ thương hiệu của mình. Trong trường hợp đơn vị sản xuất hàng nhái không chứng minh được hoá đơn chứng từ hợp lệ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trước đó, năm 2017, các tín đồ thời trang hàng Việt cũng không khỏi thất vọng khi thương hiệu KhaiSilk bán khăn lụa nhập từ Trung Quốc. Cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra làm rõ trong giai đoạn từ năm 2006 - 2009, Công ty TNHH Khải Đức (đơn vị quản lý thương hiệu KhaiSilk) có nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan.

Tuy nhiên, giai đoạn từ 2009 đến ngày 15/10/2017, Công ty không còn thực hiện các hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thời trang.

Từ năm 2012 đến khi sự việc được phát hiện vào năm 2017, Công ty cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước.

Công ty chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa “Khaisilk®”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để kinh doanh trên thị trường.

Ngay sau đó, Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyển hồ sơ, vật chứng cho Cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Theo Thanh Tra

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ