Nhìn đâu cũng thấy “mác” ngoại
Gần đây, thị trường thời trang trong nước tiếp tục sôi động khi thương hiệu thời trang Nhật Bản Uniqlo chính thức có mặt tại Việt Nam, hội tụ cùng Zara (Tây Ban Nha) và H&M (Thụy Điển). Người tiêu dùng trong nước háo hức, nhưng các DN nội lại lo lắng. Bởi sự xuất hiện của bộ 3 Uniqlo, Zara và H&M được cho là đã thay đổi cán cân thời trang và nghiêng hẳn về khối DN ngoại.
Thiết kế hợp thời trang, tốc độ ra mắt nhanh và giá cả hợp lý, cả 3 thương hiệu này đang chiếm ưu thế vượt trội ở tất cả những nơi mà họ hiện diện. Trước Uniqlo, cũng có một thương hiệu thời trang Nhật gia nhập vào thị trường là Miniso thông qua hình thức nhượng quyền với Công ty Lê Bảo Minh. Nhưng cái tên này chưa thể đủ tầm làm xoay chuyển thị phần của nhóm DN thời trang Việt.
Cách đây vài năm, các DN thời trang Việt Nam còn khá dễ thở với sự thống lĩnh của các thương hiệu trong nước như: Việt Tiến, Foci, Ninomax, Couple TX, Canifa, Seven.AM hay Blue Exchange… Ấn tượng nhất trong số này chính là Blue Exchange với gần 200 cửa hàng trên toàn quốc, tập trung vào khách hàng trẻ tuổi.
Thời điểm này, khối ngoại cũng có một số thương hiệu tầm trung của Hồng Kông, Thái Lan, Hàn Quốc và một số hãng khá phổ biến khác ở Việt Nam như: Giordano, Bossini…
Các chuyên gia cho rằng, độ lớn thị trường thời trang Việt Nam bao gồm, quần áo và giày dép trong năm 2018 là khoảng 3,8 tỷ USD, trong đó chi tiêu cho quần áo chiếm hơn 3,5 tỷ USD. Dự báo, đến năm 2021 là 5,08 tỷ USD, thời trang vẫn chiếm phần lớn với số tiền chi tiêu vào khoảng 4,7 tỷ USD. Tốc độ chi tiêu vào thời trang tăng trưởng bình quân 10%/năm giai đoạn 2017 – 2021, so với trung bình 7% của các năm trước đó.
Với sự chuyển dịch của nền kinh tế, cùng thói quen tiêu dùng của người Việt cũng thay đổi. Tâm lý “ăn chắc, mặc bền” như trước kia đã qua, nay người tiêu dùng nói chung – đặc biệt là giới trẻ đã thay đổi cách nghĩ theo xu hướng “ăn ngon, mặc đẹp” cho các món đồ thời trang. Đây chính là nguyên nhân lý giải vì sao các thương hiệu thời trang Việt ngày càng ế ẩm.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Huyền (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Trước đây, mình vẫn thường hay mua quần áo của các hãng thời trang trong nước như: Blue Exchange, Canifa, Foci hay Seven.AM… vì giá cả phải chăng mà chất lượng cũng được.
Tuy nhiên, gần đây mình chuyển sang mua đồ tầm trung của các hãng thời trang nước ngoài. Đồ thời trang ngoại kiểu dáng rất thời thượng, giá cả cũng phải chăng - chỉ ngang với hàng may mặc trong nước, nhưng vẫn được tiếng là mặc đồ… ngoại”.
Thay đổi để tồn tại
Sự xuất hiện của các thương hiệu thời trang nước ngoài vào thị trường Việt Nam là điều đáng mừng. Tuy nhiên nó cũng ẩn chứa nhiều câu chuyện mà các DN thời trang trong nước cần phải thay đổi suy nghĩ. Bởi từ trước đến nay, các DN may mặc trong nước chỉ nhăm nhăm đầu tư cho việc xuất khẩu mà quên mất thị trường nội địa đầy tiềm năng.
Nhưng ngay cả việc xuất khẩu, hiện các DN nội vẫn chủ yếu là làm gia công - công đoạn có giá trị kém nhất trong ngành công nghiệp thời trang. Đây là nghịch cảnh từ nhiều năm qua, nhưng đến nay các DN may mặc nội vẫn chưa có nhiều thay đổi.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần may Hưng Yên cho biết, tuy mỗi năm Việt Nam xuất khẩu vài chục tỷ USD hàng may mặc ra nước ngoài, nhưng hầu như đều phải mang thương hiệu của một quốc gia khác.
Đây thực sự là điều đáng lo ngại, khi ngành may mặc đã hội nhập khá sâu như hiện nay. Bởi vậy, nếu các DN thời trang Việt Nam không thay đổi cách suy nghĩ, cũng như khẳng định được thương hiệu, thiết kế riêng… thì sẽ mãi chỉ là người đi làm gia công cho nước khác.
Theo ông Dương, băn khoăn lớn nhất lúc này của ngành thời trang Việt là làm sao để tồn tại và giành thế cân bằng trước cuộc đổ bộ ồ ạt của các hãng thời trang ngoại. Đây là việc không dễ, nhất là khi hoạt động phát triển công nghiệp thời trang của Việt Nam vẫn còn chậm hơn so với các nước trong khu vực, còn việc định vị thương hiệu thì chưa thật sự rõ ràng.